MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Ảnh: PV

Tạo điều kiện cho sinh viên khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ

Phạm Đông LDO | 23/12/2020 20:04
Theo Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội, các trường cần định hướng đúng sở trường và khả năng của sinh viên có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường trong lĩnh vực công nghệ.

Chiều 23.12, Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam năm 2020 tiếp tục phiên làm việc. Tại đây, các diễn giả đến từ những doanh nghiệp hàng đầu sẽ bàn thảo về con đường phát triển Make in Viet Nam và cách các doanh nghiệp số thúc đẩy phát triển quốc gia.

Để giải quyết nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, bản thân mỗi nhân sự cần phải có khát vọng học tập kiếm tiền. Ông Thắng cho rằng, với xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, các em học sinh phổ thông sẽ có động lực hơn khi tham gia lĩnh vực này.

Theo Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng, các trường cần phải định hướng đúng với sở trường và khả năng vì không ít sinh viên muốn khởi nghiệp và kiếm việc làm khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Định hướng đúng để từ đó tạo ra sự thành công của sinh viên và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường.

Về chương trình giảng dạy, theo ông, việc tìm hiểu kinh nghiệm từ nước ngoài thì dễ, nhưng cần phải làm nội dung phù hợp để dạy được ở Việt Nam, tạo điều kiện cho sinh viên làm chủ được kiến thức.

Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa đề xuất xây dựng hệ sinh thái thu hút trường đại học và các doanh nghiệp công nghệ cần nhân lực chất lượng cao tham gia. Trong hệ sinh thái đó, các doanh nghiệp có thể bổ sung kỹ năng mềm, cung cấp trải nghiệm nghề nghiệp thực tế, từ đó giúp ích hơn trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian ngắn để đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói về sự khác biệt của doanh nghiệp vĩ đại và doanh nghiệp bình thường, nằm ở khả năng tái sinh. Bộ trưởng Hùng lấy ví dụ như Microsoft cứ 10 năm lại đặt ra mục tiêu làm mới mình.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay có doanh nghiệp chủ động tái sinh, có những doanh nghiệp do môi trường xung quanh thay đổi. Có doanh nghiệp cần một chương trình, một khẩu hiệu như Make in Viet Nam.

Bộ trưởng lấy ví dụ từ MISA, vốn nhiều năm quen thuộc với phần mềm kế toán cho doanh nghiệp, đã có những bước chuyển mình. Đồng thời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh diễn đàn hôm nay là hành động, không phải niềm tin.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu bế mạc diễn đàn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những "nỗi buồn" được nêu bật trong khuôn khổ diễn đàn hôm nay là doanh nghiệp Việt không có một quỹ của Việt Nam cho khởi nghiệp sáng tạo mà đa số là quỹ nước ngoài. Trong khi những quỹ nước ngoài thường có mục đích riêng, tầm nhìn riêng, và mục tiêu có thể không nhắm đến là làm cho Việt Nam phát triển.

Do đó, hiện có một số doanh nghiệp lớn, thành công trên thị trường sẵn sàng vì sự phát triển của đất nước, đồng ý thành lập một quỹ đầu tư và đang tìm một đơn vị uy tín để quản lý.

"Nguồn vốn đã có, nhưng đang cân nhắc một công ty quản lý quỹ, nếu thành công, doanh nghiệp Việt sẽ có nguồn vốn Việt", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn