MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Ảnh: Nguyễn Long

Tập trung nguồn lực cải cách chính sách tiền lương

Cường Ngô - Phạm Đông LDO | 24/06/2023 17:17

Quốc hội yêu cầu, Chính phủ tập trung nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương và báo cáo lộ trình thực hiện tại kỳ họp thứ 6 cuối năm 2023.

Nghị quyết kỳ họp thứ 5 được Quốc hội thông qua chiều 24.6 giao Chính phủ có giải pháp ổn định việc làm cho người lao động; hỗ trợ kịp thời lao động thất nghiệp, mất việc làm; xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất. Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ bảo đảm ổn định, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân, linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Quốc hội yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Về chính sách cải cách tiền lương, Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhấn mạnh, đây là chính sách quan trọng để phát triển kinh tế. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến đời sống người dân, đến nay đã trải qua 4 lần cải cách tiền lương, tuy nhiên, mức lương cán bộ công chức tại thời điểm hiện nay là khá thấp.

Ba năm qua, chúng ta đã liên tục lùi thời điểm cải cách tiền lương để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Vậy nhưng, sau hơn 2 năm thực hiện, dù Chính phủ, các bộ ngành quyết liệt đôn đốc, vẫn còn rất nhiều vốn chưa thể phân bổ. Trong khi lựa chọn phương án thắt lưng buộc bụng để đầu tư phát triển, một phần nguồn lực của chúng ta vẫn chưa được phát huy hiệu quả trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, khi so sánh chính sách tiền lương với các nước trong khu vực đã thể hiện một khoảng cách không nhỏ. Một sinh viên mới ra trường có mức thu nhập là 3,48 triệu đồng, còn mức lương trung bình của một công chức là khoảng 10 triệu đồng.

Trong khi đó, nếu như quy đổi ra tiền Việt Nam thì một công chức của Thái Lan có thu nhập 56,7 triệu đồng, Malaysia là 29 triệu đồng và Campuchia là 17 triệu đồng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu thực tế.

Chính vì vậy, cần có sự thay đổi căn bản, mang tính thực chất, không chỉ mang tính hình thức, để tiền lương thực sự trở thành nguồn thu nhập chủ yếu, để chính sách tiền lương đảm bảo hội nhập quốc tế.

Giữa tháng 6, bà Nguyễn Bích Thu - quyền Vụ trưởng Tiền lương (Bộ Nội vụ) cho biết, đang xây dựng báo cáo về lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương để xin ý kiến của Ban chỉ đạo tiền lương Nhà nước. Thời gian tới, Ban chỉ đạo cải cách tiền lương Nhà nước sẽ họp, cho ý kiến để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Nghị quyết 27 Trung ương đặt mục tiêu cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp từ 1.7.2021.

Theo Nghị định năm 2004, lương công chức, viên chức được tính bằng lương cơ sở nhân hệ số lương. Với mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng hiện hành, mức lương cao nhất của công chức (loại A1, nhóm 1, bậc 6) là 11,92 triệu đồng/tháng; mức thấp nhất (loại C, nhóm 3, bậc 1) là 2,01 triệu đồng/tháng.

Từ ngày 1.7 khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng thì mức lương cao nhất của công chức là 14,4 triệu đồng/tháng; mức thấp nhất là 2,43 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, lương tối thiểu vùng theo tháng áp dụng cho lao động tại các doanh nghiệp ở vùng 1 là 4,68 triệu đồng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng; vùng 4 là 3,25 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn