MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tàu vỏ thép 67 ở Bình Định: Đại Nguyên Dương "lờ" phương án sửa chữa, Sở NNPTNT ưu ái gia hạn

Xuân Nhàn LDO | 05/07/2017 17:18
Cuộc họp giao ban báo chí quý II/2017 do Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin – Truyền thông, Hội Nhà báo Bình Định phối hợp tổ chức đề cập nhiều vấn đề nhưng nóng nhất vẫn là câu chuyện những con tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP vừa xuống nước đã phải... lên bờ.
Giám đốc Sở NNPTNT Phan Trọng Hổ cho biết: “Sau cuộc gặp giữa các cơ sở đóng tàu và 18 chủ tàu hôm 30.6, Sở mới chỉ nhận được phương án sửa chữa chi tiết từ Cty TNHH MTV Nam Triệu, còn Cty TNHH Đại Nguyên Dương thì chưa.
Lẽ ra, 4.7 đã là thời hạn cuối cùng, song chúng tôi quyết định gia hạn đến 8.7 để chờ phương án của Đại Nguyên Dương. Sở đã báo cáo Bộ NNPTNT và quyết định thành lập tổ giám sát quá trình khắc phục hậu quả. Thành viên giám sát có cả đại diện cơ quan công an."
Trả lời câu hỏi của PV Lao Động về việc vì sao chọn Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan, đơn vị chuyên đóng tàu vỏ gỗ, làm nơi sửa chữa, khắc phục sự cố cho nhóm tàu vỏ sắt hư hỏng, ông Hổ nói: “Chính đăng kiểm viên sẽ phải kiểm tra, xác nhận sự phù hợp của nơi đưa tàu vỏ thép đến sửa chữa, trên cơ sở thẩm định của Sở NNPTNT.
Hiện ngoài Tam Quan có 5 tàu của Nam Triệu đã lên bờ chờ sửa chữa. Tuy nhiên, chúng tôi chưa công nhận bước đi này”.
Về “đề bài” khắc nghiệt của UBND tỉnh Bình Định (qua kết luận chiều 26.6 của Phó Chủ tịch Trần Châu) rằng “sửa chữa phải như mới 100%”, PV Lao Động hỏi "sửa chữa phải như mới 100%" có được hiểu như thế nào và liệu nó có trở thành “chuẩn” đánh giá, công nhận sản phẩm sau sửa chữa hay không? Ông Hổ lại “đưa” đăng kiểm ra trong phần giải đáp: “Đăng kiểm viên sẽ chịu trách nhiệm về tình trạng an toàn trước khi tàu trở về với hoạt động sản xuất”.

Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Phan Trọng Hổ trả lời PV Lao Động. Ảnh X.N

Bình Định là địa phương có tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 bị hư hỏng nhiều nhất, tính đến thời điểm hiện nay. Từ tháng 4.2017, ngư dân Bình Định đã có đơn thư khiếu nại về tình trạng nhanh xuống cấp của nhiều con tàu.

Có tàu phát sinh trục trặc ngay trên đường từ xưởng trở về; có trường hợp, đi biển chuyến nào, hư chuyến đó. 18 tàu hư hại (5 chiếc do Cty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, 13 chiếc do Cty TNHH MTV Nam Triệu đóng và đều sử dụng vốn vay từ Ngân hàng TMCP Đầu tư – Phát triển Việt Nam, BIDV) được UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo thẩm định chất lượng.
Sau gần 20 ngày hoạt động, tổ thẩm định chứng minh được hành vi gian dối của các cơ sở đóng tàu. Sản phẩm của Đại Nguyên Dương đóng, thay vì sử dụng chất liệu thép Hàn Quốc/ Nhật Bản cho phần vỏ, đã bị thay bằng thép Trung Quốc. Nhiều mẫu thép đưa đi kiểm định, thành phần hóa học không đạt cấp A theo quy chuẩn Việt Nam.
Tàu do Cty Nam Triệu đóng, có 9 chiếc sử dụng động cơ Misubihsi giả, đã qua sử dụng, bị cải hoán và không chính hãng. Ngoài ra, nhiều thiết bị hàng hải, khai thác hoặc được lắp đặt không đúng hợp đồng, hoặc bị hỏng hóc, không hoạt động. Báo cáo thẩm định cũng đề cập tới thiếu sót của đăng kiểm viên thuộc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, Tổng cục Thủy sản.

Những hình ảnh tàu vỏ thép ở Bình Định hư hỏng:

 

 

 

 

 

Không riêng Bình Định, một số địa phương khác như Phú Yên, Quảng Nam, Thanh Hóa cũng đang tồn tại những chiếc tàu vỏ sắt kém chất lượng. Từ báo cáo sơ bộ của các chuyên gia, Bộ NNPTNT và UBND tỉnh Bình Định đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra.

Như Lao Động đã đưa tin, ngày 4.7, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Nguyễn Cao Lục đã ký văn bản 6858/VPCP-NN gửi Bộ NNPTNT, Bộ Công an truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “sự cố” tàu vỏ thép 67.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo như sau: Giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ việc đóng tàu kém chất lượng ở Bình Định và một số địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 8.2017. Bộ NNPTNT có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ trên”.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn