MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng cây xà cừ trên đường 30.4, thành phố Tây Ninh . Ảnh: C.H

Tây Ninh và TP.Hồ Chí Minh chặt cây cổ thụ để mở đường, xây cầu

Hoàng Hưng LDO | 09/07/2017 11:35
Ngày 9.7, tại thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, Công ty sản xuất - dịch vụ - thương mại An Đạt đã chính thức cho nhân viên đốn hạ 100 cây xà cừ trên đường 30.4. Việc chặt cây này nhằm phục vụ dự án nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang đô thị tuyến đường 30.4 mà tỉnh Tây Ninh đã chuẩn bị từ một năm nay…

Công ty An Đạt là đơn vị trúng thầu thanh lý hàng cây xà cừ này, với mức giá 3,6 tỉ đồng. Công việc đốn hạ, đào gốc 100 cây xà cừ và giao mặt bằng sẽ tiến hành trong 45 ngày. Hàng cây xà cừ (khoảng 100 cây) trên đường 30.4, thành phố Tây Ninh có tuổi thọ trên 30 năm, từ phong trào trồng cây xanh của những năm 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, vào năm 2016, tỉnh Tây Ninh chủ trương cải tạo, mở rộng đường 30.4, nên UBND thành phố Tây Ninh đã trưng cầu ý dân trước khi ra quyết định chặt hàng cây.

Việc chặt hạ 100 cây xà cừ đang được tiến hành. Ảnh: TN

Theo ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Tây Ninh lúc đó (năm 2016): “Tất cả là do người dân. Nếu người dân không đồng ý chặt, thì chính quyền không chặt. Nếu người dân cho phép chặt cây, thì hàng cây xà cừ sẽ được đốn hạ… Quan điểm của tôi, dù rất tiếc hàng cây xà cừ, vì rất thân quen với người dân Tây Ninh, nhưng vì sự phát triển đô thị, nên thay thế bằng loại cây khác. Bởi gốc xà cừ không nên trồng trong đô thị, rễ cây của nó mọc ngang, phá nền đường. Mặt khác, trong 100 cây xà cừ, một số đã già cỗi…”. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân, đa số ý kiến đồng ý thanh lý, thay hàng cây xà cừ trên bằng loại cây khác thích hợp hơn, tạo điều kiện cho dự án nâng cấp, mở rộng đường 30.4.

Hàng cây xà cừ trên đường 30.4 vốn rất quen thuộc với người dân tỉnh Tây Ninh.

Tương tự, tại TP.HCM, tại kỳ họp thứ 5 (từ ngày 4-6.7 vừa qua), HĐND TP HCM cũng ra quyết định đốn hạ hàng cây cổ thụ khoảng 100 năm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng. Việc khai tử hàng cây cổ thụ này là để phục vụ thi công dự án cầu Thủ Thiêm 2. Chủ trương khai tử hàng cây cổ thụ trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng gây dư luận trái chiều trong suốt hơn 2 năm qua ở TP.HCM. Song, cuối cùng HĐND TP.HCM vẫn quyết định… hy sinh hàng cây cổ thụ trên, dù rất nhiều người nuối tiếc.

Hàng cây có tổng cộng 258 cây, trong đó có 125 cây thuộc loại cổ thụ, gồm sọ khỉ 112 cây, lim sẹt 13 cây, tập trung chủ yếu ở đoạn từ Lê Duẩn đến giao lộ Lê Thánh Tôn - Nguyễn Hữu Cảnh, phía đường dẫn và đầu cầu ở địa bàn Q.1. Theo ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM, TP ưu tiên giải pháp di dời, chỉ đốn hạ những cây có chất lượng xấu hoặc khả năng sống thấp sau khi di dời, tạo mảng xanh mới để bù đắp mảng xanh đã bị đốn hạ, sử dụng gỗ thu hồi để chế tạo các sản phẩm công cộng phục vụ người dân…

Ông Cường cho biết: Về mảng xanh bị di dời, đốn hạ tổng 258 cây, tương ứng 22.104m2. Mảng xanh tái tạo sẽ trồng mới 373 cây với diện tích hơn 26.000m2. Sau 3 năm, mảng xanh tái tạo tăng ước đạt hơn 37.000m2, tương đương 172% so với mảng xanh bị ảnh hưởng trước đó. Chi phí thực hiện cho phương án này khoảng 7 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn