MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS-TS Nguyễn Anh Trí - ĐBQH Thành phố Hà Nội. Ảnh: Cao Nguyên

Thấm nhuần lời dạy của Bác để huấn luyện, lựa chọn cán bộ

VƯƠNG TRẦN LDO | 11/05/2020 11:53
Dẫn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, trong đó nhấn mạnh tới việc huấn luyện và đào tạo cán bộ trong bài viết mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ bắt đầu chuẩn bị thành lập Đảng bằng việc đào tạo và huấn luyện cán bộ. Bác khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”; “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Đào tạo, huấn luyện để chọn được những cán bộ “đủ đức, đủ tài”

Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị Nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.

Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã dẫn lại lời dạy của Bác Hồ về công tác cán bộ, trong đó nhắc tới việc huấn luyện và đào tạo cán bộ. “Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ bắt đầu chuẩn bị thành lập Đảng bằng việc đào tạo và huấn luyện cán bộ. Bác khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”; “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” - Tổng Bí thư nêu rõ.

Liên quan tới công tác cán bộ, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) nhấn mạnh cho rằng, công tác cán bộ, nhất là việc lựa chọn cán bộ vào cơ quan lãnh đạo của Đảng từ cấp cơ sở đến cấp cao nhất thì bản thân nó là khoa học tổ chức, khoa học cán bộ. Trong các tư liệu về lịch sử Đảng cũng đã chỉ rõ, nói đến đào tạo cán bộ, bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh song song hai yêu cầu “có đức, có tài”. Đến khi viết Di chúc, Bác lại nhấn mạnh việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa hồng, vừa chuyên”. Do vậy, theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, việc huấn luyện, đào tạo cán bộ cần được đặc biệt quan tâm. Cũng chính từ quá trình huấn luyện, đào tạo, rèn luyện đó, Đảng có thể lựa chọn được những cán bộ “có tài, có đức”, phục vụ công việc của Đảng, công việc của nhân dân.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết thêm, trong suốt 90 năm qua Đảng ta luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhiều hội nghị T.Ư trực tiếp bàn về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Điển hình như Đại hội VI (tháng 12.1986) đã xác định: “Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải tuân theo một quy trình chặt chẽ. Đó là kết hợp giữa bồi dưỡng kiến thức ở các trường học với rèn luyện trong thực tiễn”, “Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát, mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu”. Tại Đại hội lần thứ IX, Đảng xác định: “Xây dựng, chỉnh đốn hệ thống các học viện, trường và trung tâm chính trị, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trước hết là đối với cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp”… Đặc biệt, quan điểm của Đảng về công tác cán bộ đã nêu rất rõ trong Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 7 (Khóa XII), đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Đảng ta khẳng định lại quan điểm Bác Hồ đã nêu, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.

Phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện

Cùng trao đổi về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Anh Trí (ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng, việc chọn cán bộ là công việc cực kỳ khó, đó là công việc liên quan tới con người. Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, công tác nhân sự, công tác cán bộ lại nhận được nhiều sự quan tâm từ người dân và dư luận. Đặc biệt là những cán bộ cấp chiến lược lãnh đạo đất nước trong một nhiệm kỳ. Đó phải là những người tiêu biểu về trí tuệ, về đạo đức, đáp ứng được các yêu cầu công việc của Đảng, của nhân dân giao phó. Mỗi một người dân, mỗi đảng viên và công tác cán bộ của Đảng đều mong muốn tìm được cán bộ vì dân, vì nước, cán bộ tốt, cán bộ có đức, có tài.

Theo GS Nguyễn Anh Trí, thực tiễn suốt 90 năm qua, Đảng cũng rất quan tâm trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, đưa vào quy hoạch để chuẩn bị tốt nhất cho công tác cán bộ. Công tác cán bộ cũng có rất nhiều bước chặt chẽ. Đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Chính từ việc huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mà cán bộ được trưởng thành, có trình độ, có khả năng đáp ứng được các yêu cầu công việc. “Đảng đã rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, để đội ngũ cán bộ đó đảm đương được trách nhiệm lịch sử của mỗi thời kỳ, biến đường lối của Đảng thành hiện thực và đưa đến thắng lợi của cách mạng” - GS Trí nói.

Ở một khía cạnh khác, GS Nguyễn Anh Trí cho rằng, ngoài việc được Đảng chăm lo huấn luyện, đào tạo, chính bản thân của mỗi cán bộ phải hết sức nỗ lực, tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao trình độ, kiến thức, giữ vững được đạo đức công vụ, giữ vững được phẩm chất của người cách mạng. Bởi thực tế, có những cán bộ khi được lựa chọn thì rất tốt nhưng theo thời gian đã có những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hoá”, có những biểu hiện quan liêu, cửa quyền, xa rời nhân dân.

“Điều quan trọng là cán bộ được lựa chọn phải thường xuyên tu dưỡng, thường xuyên rèn luyện, vượt qua được những cạm bẫy, cám dỗ” - GS Trí nói và cho rằng thực tế có những cán bộ có trình độ, được đào tạo bài bản nhưng không vượt qua được “cám dỗ”, lợi ích vật chất dẫn tới hư hỏng. Trong nhiệm kỳ vừa qua cũng đã có tới gần 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn