MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc.

Tham nhũng, tiêu cực vẫn tiềm ẩn rất lớn, nhiều đối tượng "chưa biết sợ"

Vương Trần LDO | 30/06/2022 12:19

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho hay, mặc dù đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, xử lý nhiều cán bộ cấp cao, nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn tiềm ẩn rất lớn, nhiều “đối tượng chưa biết sợ”.

"Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người"

Sáng nay (30.6), phát biểu tham luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh: Thời gian qua, Đảng uỷ Công an đã gương mẫu đi đầu trong thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm các tầng nấc trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; thực hiện tốt chủ trương bố trí 100% Giám đốc Công an tỉnh, thành phố, Trưởng Công an cấp huyện không là người địa phương; 100% các xã có Công an chính quy.

Đồng thời quyết liệt trong quán triệt, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chủ động phát hiện, xử lý nhiều cán bộ vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao theo đúng tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, góp phần làm trong sạch lực lượng.

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022. 

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, trên phương diện đấu tranh, xử lý, trong 10 năm qua, cơ quan điều tra các cấp trong CAND đã khởi tố mới trên 16.000 vụ án, 26.800 bị can về các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; trên 2.600 vụ án, 5.800 bị can về các tội phạm tham nhũng, chức vụ.

Công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng đã được Tổng Bí thư - Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá là một “điểm sáng”, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh rất lớn. Giai đoạn 2012-2020, công tác điều tra đã có những bước tiến đột phá, làm rõ được bản chất của các vụ án, phân hóa trách nhiệm của từng đối tượng, bảo đảm xử lý nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn.

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, mặc dù đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, lực lượng CAND cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, nhưng công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý án tham nhũng, tiêu cực không chùng xuống mà tiếp tục có những bước tiến mới.

Điểm nổi bật là, đã chủ động nhận diện tội phạm, lựa chọn khâu đột phá để phát hiện, xử lý tạo sự lan tỏa theo đúng phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người” (điển hình là các vụ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, lợi dụng các chính sách phòng chống dịch COVID-19 để trục lợi...).

Nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, nhưng đều được phát hiện, điều tra làm rõ (điển hình là vụ Công ty Việt Á; vụ lợi dụng các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước để trục lợi; vụ Tân Hoàng Minh, FLC...).

Các đại biểu dự hội nghị.

Tham nhũng, tiêu cực vẫn tiềm ẩn rất lớn

Từ thực tiễn công tác phòng ngừa, phát hiện, khởi tố, điều tra án tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho hay, mặc dù đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, xử lý nhiều cán bộ cấp cao, nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn tiềm ẩn rất lớn, nhiều “đối tượng chưa biết sợ”.

"Chúng tôi vẫn nói rằng, từ tháng 4.2020, khi mới bắt đầu đại dịch COVID-19, chúng ta đã xử lý vụ CDC Hà Nội về lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Lúc đó Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã cân nhắc rất kỹ giữa phòng, chống dịch và xử lý để cảnh tỉnh. Tuy nhiên, vừa qua, chúng ta vẫn phải xử lý vụ Việt Á. Đây là việc chúng tôi thấy, "chưa biết sợ" của một số nhóm đối tượng" - ông Ngọc nêu.

Từ đó, ông cho rằng, trong các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nếu không được giám sát, kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đều có nguy cơ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Vì vậy, cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong nội bộ các cơ quan, đơn vị để chủ động phát hiện, xử lý các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn.

Trong đó, quy định cụ thể thời hạn nhiều nhất tất cả các cơ quan, đơn vị phải được kiểm tra, giám sát (tránh trường hợp có nơi thì kiểm tra nhiều lần nhưng có nơi không kiểm tra) và thời hạn nhất định phải khắc phục khuyết điểm sau khi kiểm tra, giám sát và cơ chế tái kiểm tra việc khắc phục khuyết điểm...

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực có những sơ hở, tồn tại. Ông kiến nghị, những văn bản pháp luật đang có "sơ hở dễ bị lợi dụng" cần rà soát, sơ kết, thông báo công khai thời gian sửa đổi để mọi người biết, cảnh giác khi áp dụng (một số kinh nghiệm về sửa đổi pháp luật trong thời gian qua rất tốt cần tiếp tục thực hiện như: một luật sửa đổi nhiều luật; sửa đổi ngay những văn bản pháp luật phù hợp với tình huống phát sinh về thiên tai, dịch bệnh...).

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng kiến nghị cần đẩy mạnh thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Theo ông Ngọc, thực hiện tốt điều này, sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước, nhất là ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (đăng ký phương tiện giao thông, quản lý thuê bao di động, loại trừ sim rác, quản lý tài khoản ngân hàng, cấp hộ chiếu, thuế, bảo hiểm...), góp phần chủ động phòng ngừa “tham nhũng vặt”, cũng như tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn