MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá. Ảnh: B.T.H

Thanh Hoá muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, văn minh, hiện đại

Xuân Hùng LDO | 28/09/2020 09:03

Ngày 17.7.2020, tại cuộc làm việc giữa Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá trước khi ban hành Nghị quyết về phát triển Thanh Hoá, với phong cách giản dị, chân tình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có những chỉ đạo sâu sắc bằng những lời nói mộc mạc, dễ hiểu, thấu tình đạt lý, rất trúng và đúng để Thanh Hoá phát triển.

Từ Thanh Hoá bay thẳng đến Paris: Tại sao không?

Dẫn lại lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm Thanh Hoá lần thứ nhất, ngày 20.2.1947: “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phân tích vì sao Bác lại mong muốn Thanh Hoá là tỉnh kiểu mẫu. Theo đó, Thanh Hoá là tỉnh có vị trí rất quan trọng, "nếu không nói ở thế rồng cuộn hổ ngồi thì cũng là vị trí có nhiều thuận lợi".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá. Ảnh: TTXVN

Thựa tế, ít có nơi nào được như Thanh Hoá với đầy đủ 5 năm loại hình giao thông, nằm trên con đường huyết mạch từ Bắc vào Nam, nơi kết nối Đồng bằng sông Hồng với Bắc Trung Bộ; Tây Tây Bắc và Bắc Lào với biển…

Nếu người Hà Nội về Hải Phòng, Quảng Ninh hay lên Tam Đảo, Sa Pa du lịch thì chẳng có lý do khó khăn nào về điều kiện địa lý để không đến Sầm Sơn, đến Pù Luông, Bến En, Hải Tiến, Hải Hoà… của Thanh Hoá. Đang ở Hà Nội ngột ngạt, cuối tuần chỉ cần hơn 2 giờ chạy xe là đã có mặt ở Sầm Sơn mát lành. Tới đây, khi tuyến cao tốc hoàn thành, tuyến đường ven biển đưa vào sử dụng thì không chỉ người Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ… mà người Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định cũng rất thoải mái, thuận tiện khi đến du lịch ở Thanh Hoá.

Với quyết tâm cao, Thanh Hoá đã biến một Sầm Sơn tai tiếng trở lại nổi tiếng với đúng nghĩa của nó. Từ khi có sự đầu tư của tỉnh, của Tập đoàn FLC với hàng nghìn tỉ đồng, Sầm Sơn trở nên lung linh hơn, thu hút hơn và đã trở nên điểm du lịch đẳng cấp, xứng tầm.

Tuy nhiên còn đó trên vùng đất xứ Thanh biết bao danh lam thắng cảnh, biết bao trầm tích văn hoá, biết bao điều kiện thuận lợi cần được đầu tư, khám phá và nâng tầm. Với tham vọng đưa du lịch thành nền kinh tế mũi nhọn, Thanh Hoá đang thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn về du lịch như Tập đoàn Sungroup, FLC, Vingroup, Falamingo với hàng loạt dự án tầm cỡ.

Rõ ràng, Thanh Hoá đã và đang thể hiện khát vọng lớn trong việc tận dụng lợi thế cạnh tranh về địa lý để phát triển du lịch. Với quan điểm, quyết tâm này, kỳ vọng đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh “nhất định được”.

Chuyến tàu cập cảng nước sâu Nghi Sơn đón dòng dầu thương mại đầu tiên. Ảnh: Xuân Hùng

Nếu Hải Phòng, Quảng Ninh giàu lên vì có cảng nước sâu, có sân bay quốc tế thì Thanh Hoá tại sao không? Cảng nước sâu quốc tế Nghi Sơn đã đưa Thanh Hóa trở thành “thế lực” mới tại Việt Nam trong lĩnh vực vận tải biển và logictics và thực tế đã là cảng có tốc độ phát triển nhanh nhất toàn quốc. Vậy thì không có lý do gì để cảng Nghi Sơn không thu hút được lượng hàng hoá từ các tỉnh Tây Bắc, nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Bộ.

Sân bay Thọ Xuân cũng đã được nâng cấp, mở rộng thành cảng hàng không quốc tế, nằm trong quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030 và trở thành cảng hàng không dự bị cho cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Rồi một ngày không xa, từ cảng hàng không Thọ Xuân có thể bay thẳng Paris, London hoặc New York… Tại sao không? Quyết tâm, khát vọng, đồng lòng hiệp sức thì mong muốn ấy “nhất định được”.

Đoàn kết, đồng lòng nhất định được

Theo Tổng Bí thư, Thanh Hoá là nơi có “truyền thống oanh liệt vẻ vang”, “bao nhiêu anh hùng hào kiệt ở đây”. Tổng Bí thư cho rằng: “Đây là nguồn lực vô cùng lớn. Đây cũng là vốn quý, đây cũng là tiềm năng chứ không phải chỉ có tiền” và đặt vấn đề “Tại sao ta không khai thác, phát huy cái này?”.

Nói đến Thanh Hoá là nói đến vùng đất “địa linh nhân kiệt” với “tam vương nhị chúa”, là nói đến một vùng văn hoá, một miền di sản đặc sắc.

Trên vùng đất hơn 11.120 km2 của xứ Thanh, không nơi nào không khắc ghi chiến tích của anh hùng hào kiệt quê Thanh. Từ Bà Triệu cưỡi voi dấy binh trên núi Nưa diệt giặc Đông Ngô; Dương Đình Nghệ chống lại ách đô hộ của nhà Nam Hán; là Lê Hoàn – một bậc trí dũng góp công lớn dẹp thù trong giặc ngoài, lập nên vương triều Tiền Lê; là Hồ Quý Ly – một vị vua với khát vọng đổi mới và tự cường mạnh mẽ.

Lễ hội tái hiện "Hào khí Lam Sơn", tôn vinh công trạng của Anh hùng dân tộc Lê Lợi tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh. Ảnh: Tô Thế

Lịch sử nước Việt mãi khắc ghi công lao to lớn của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, người đã thay đổi vận mệnh quốc gia, đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng vương triều Hậu Lê với 26 đời vua, tạo dựng nên thời kỳ thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Rồi còn đó Nguyễn Kim – người khởi đầu công cuộc trung hưng nhà Lê, là tổ phụ của các chúa Nguyễn và là ngoại tổ phụ của các chúa Trịnh. Là Trịnh Kiểm – một hào kiệt xứ Thanh có công khôi phục Thăng Long, đánh dẹp Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi trong 2 thế kỷ. Và lịch sử còn đó, Nguyễn Hoàng mở cõi vào phía nam, để bây giờ ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên vẫn còn những tên xã, tên làng mà người Thanh Hoá gánh đi theo mỗi chuyến di dân...

Nhìn vào hành trạng, xuất thân của các vị anh hùng hào kiệt đất Thanh thấy họ đều là những “dân ấp dân lân” nhưng khi đất nước bị xâm lăng, đồng bào bị kẻ thù giày xéo, vận mệnh dân tộc ngàn cân treo sợi tóc thì khi đó hào kiệt Thanh Hoá xuất hiện. Trong rất nhiều tính cách nổi trội, người Thanh Hoá có sự bền gan quyết chí, kiên dũng đến cùng, không sợ gian nan thử thách, càng khó khăn càng là động lực để vươn lên.

Thanh Hoá là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất từ trước đến nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2020 ước đạt 12,5%; tốc độ tăng thu ngân sách bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 18,1% và là một trong số ít tỉnh, thành phố có tốc độ tăng thu ngân sách và thu hút đầu tư hàng đầu cả nước. Ảnh: Xuân Hùng

Hơn lúc nào hết, người xứ Thanh cần phát huy được hào khí của các bậc tiền nhân, niềm tự hào sẽ là sức mạnh trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương.

Có lẽ chưa bao giờ Thanh Hoá có tiền đồ, điều kiện thuận lợi để phát triển như hôm nay. Nếu không thực hiện được khát vọng thịnh vượng, Thanh Hoá không khá hơn các tỉnh bạn mà vẫn cam chịu thua kém thì sẽ không xứng đáng với hào khí của các bậc tiền nhân, các vị anh hùng hào kiệt quê hương, không xứng đáng với xương máu của hàng triệu anh hùng liệt sỹ là những người con Thanh Hoá đã ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến. Nếu không đưa Thanh Hoá thành tỉnh kiểu mẫu như mong muốn lúc sinh thời của Bác thì không những có lỗi với Người mà còn lỡ thời cơ, vận hội.

Nhưng để biến Nghị quyết thành hiện thực; biến ước mơ, khát vọng thành của cải vật chất, thành lối sống văn minh, hiện đại là cả một thách thức, một nhiệm vụ nặng nề.

Để làm được việc đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Muốn như thế, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo là rất quan trọng. Trước hết là cấp uỷ, là Đảng bộ, là các đồng chí lãnh đạo, phải thực sự đoàn kết, phải thực sự thương yêu nhau, phải đồng lòng nhất trí vì quê hương, phải quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn”.

Làm cho được những lời căn dặn ấy, không “cua cậy càng, cá cậy vây”, biết “điều khiển, sắp đặt”, toàn Đảng bộ, chính quyền và hơn 3,6 triệu dân cùng đồng tâm nhất trí với quyết tâm cao thì việc đưa Thanh Hoá thành tỉnh phát triển hiện đại, văn minh, thành tỉnh kiểu mẫu như mong muốn sinh thời của Bác “nhất định được”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn