MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu các giải pháp chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Quochoi.vn

Thanh tra Chính phủ nêu giải pháp chống tham nhũng, tiêu cực

CAO NGUYÊN - ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 02/09/2024 16:35

Trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã thực hiện tốt nhưng tình trạng này vẫn còn phát sinh và tồn tại.

Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi

Cử tri tỉnh An Giang cho biết, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã được thực hiện tốt, qua đó phát hiện và xử lý rất nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, theo cử tri tình trạng này vẫn còn phát sinh, do đó cần có giải pháp đồng bộ, kết hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Cùng nội dung này, cử tri TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị tăng cường hơn nữa công tác giám sát, kiểm tra để sớm phát hiện và xử lý ngay đối với các vụ việc về tham nhũng. Cần sớm có biện pháp khắc phục tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp và người dân.

Về vấn đề này, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, công tác PCTNTC tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng có mặt cao hơn năm trước; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, "không ngừng", "không nghỉ”, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong đấu tranh PCTNTC.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế chặt chẽ để "không thể tham nhũng".

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đều được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm…

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Hồng Phong tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Công tác PCTNTC ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn là khâu yếu.

Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác PCTNTC; còn có nơi nể nang, né tránh.

Thanh tra vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng

Trong thời gian tới, Chính phủ, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác PCTNTC, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng với quyết tâm chính trị, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước cả ở Trung ương và địa phương; tập trung kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để PCTNTC.

Chính phủ luôn xác định PCTNTC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Trong đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực ...

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ PCTNTC trong nội bộ các cơ quan có chức năng PCTNTC, không để cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Tăng cường, tập trung thanh tra vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín; các vụ việc có dấu hiệu rửa tiền,...

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành đang thực hiện thanh tra chuyên đề này và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả sau khi hoàn thành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn