MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình một góc sân bay Long Thành. Ảnh: T.K

“Thắt lưng buộc bụng” 2 năm, đủ 20.000 tỉ đồng xây sân bay Long Thành

ĐỨC THÀNH - XUÂN HẢI LDO | 28/10/2017 06:05

Nhiều ý kiến đóng góp về dự án xây dựng sân bay Long Thành (Đồng Nai), trong đó có hai nỗi lo lớn nhất là nguồn kinh phí để xây dựng và đảm bảo đời sống dân sinh của người dân sau khi tái định cư.

Tiền đâu xây sân bay?

Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cho biết, dự án này ảnh hưởng tới rất nhiều hộ dân và diện tích rất lớn. Vì thế, cần một quy hoạch tổng thể, hiện đại, phù hợp với văn hoá, cuộc sống của nhân dân bị thu hồi đất với đầy đủ các công trình thiết yếu như đường, trường, chợ…

Thế nhưng vấn đề lớn nhất là tiền đâu để giải phóng mặt bằng khi cần tới hơn 23.000 tỉ đồng như báo cáo của Chính phủ? Trong khi ngân sách hiện nay chúng ta mới chỉ đáp ứng được 5.000 tỉ, tức là chưa bằng ¼ con số cần thiết.

Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính nhận định: “Dự kiến năm 2017 chúng ta chi gần 1 triệu nghìn tỉ. Nếu chỉ cần tiết kiệm 1% thì chúng ta có 10.000 tỉ rồi. Ngay Hà Nội trong 2 năm vừa qua đã tiết kiệm 4.000 - 5.000 tỉ đồng”. Từ đó Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính đề nghị phải có chính sách tiết kiệm, việc mà hồi năm 2011 chúng ta đã từng ra nghị quyết giảm tới 10% chi tiêu. Vấn đề là chúng ta phải quyết tâm” - ông Chính nói - “Tiết kiệm 1% là có 10.000 tỉ, tiết kiệm 2% là có 20.000 tỉ để giải phóng mặt bằng. Chúng ta tiết kiệm mỗi năm 1%” - “Nếu Bộ Tài chính đưa ra tiết kiệm chi là sẽ giải quyết được, và mỗi địa phương chịu một chút, góp gió thành bão là làm được. Nếu không tiết kiệm thì sẽ không có nguồn để xây dựng sân bay Long Thành” - ông Chính nhấn mạnh.

Nỗi lo “Sau tái định cư, chỉ có cái nhà khang trang hơn”

Ông Phạm Minh Chính cho rằng, sau khi giải tỏa mặt bằng, quan trọng nhất đó là tổ chức đời sống cho người dân ra sao thì cần phải tính toán cụ thể. Ngoài ra cần phải quan tâm tới số lao động cần đào tạo, bồi dưỡng để chuyển đổi nghề.

Cùng quan tâm đặc biệt tới vấn đề đào tạo nghề cho người trong độ tuổi lao động bị thu hồi đất, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh: “Đào tạo nghề phải gắn hướng tới nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp phải cho biết nhu cầu đào tạo ai, đào tạo cái gì, và Nhà nước dùng tiền đào tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp 
thực hiện.

Thứ hai là phải có chương trình khảo sát, ví dụ như với những người trên 40 tuổi, đất đã bị thu hồi chắc chắn người ta chuyển sang những nghề khác. Khi đó, khu vực giải tỏa trở thành một công trường, vậy thì những ngành nghề dịch vụ ngay tại đó sẽ phát triển và những người này cần được hỗ trợ, xây dựng những khu nhà ở, khu kinh doanh để cho các người dân làm dịch vụ.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho thấy số lượng các hộ dân sinh sống bằng nghề nông bị thu hồi đất trong dự án chiếm gần 40%. Do vậy, vấn đề đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất cần phải được quan tâm thỏa đáng”.

Từ đó Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc về ngành nghề, lĩnh vực đào tạo để có thể phục vụ trực tiếp công việc trong vùng quy hoạch sân bay, làm rõ hơn lĩnh vực, ngành nghề mà dự án sau khi đi vào hoạt động cần sử dụng lao động (từ đơn giản, cho đến phức tạp) để định hướng người dân sở tại, không đưa ra chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo nghề nhưng không gắn với thực tế, gây lãng phí nguồn lực; tính toán thêm đến thời gian đệm khi dự án chưa đi vào khai thác hoạt động thì người dân sẽ phải chuyển đổi nghề nghiệp như thế nào để duy trì cuộc sống.

Với kinh nghiệm từ địa phương, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chia sẻ: “Chúng ta đều nói đời sống của người dân sau tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn, nhưng thực tế những nơi người dân sống sau tái định cư thì họ rất khó khăn. Có lẽ chỉ có cái nhà khang trang hơn thôi, chứ đời sống sản xuất và các vấn đề tiện dụng khác ngay kể cả văn hóa cũng rất thiệt thòi. Bao nhiêu người được hỗ trợ nghề và sống bằng nghề được?

Đại biểu Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) cho rằng cần phải làm rõ những con số chưa thật hợp lý. Đại biểu Vinh nêu ví dụ: “Theo báo cáo của Chính phủ ta thấy Chính phủ báo cáo đền bù cho 4.083 căn nhà, nhưng số hộ là 4.864 hộ, cái này cần có giải trình cho rõ. Sau khi tái định cư thì số hộ lại tăng lên thành 5.196 hộ. Tuy trong báo cáo có giải trình tách hộ do nguyện vọng từ năm 2006 tới nay, nhưng nếu để ý thêm một chút thì thấy với 15.557 người dân mà lại có đến 5.196 hộ, tức là bình quân một hộ chưa tới 3 người - đây là con số chưa hợp lý đối với một hộ gia đình ở nông thôn. Trong khi bình quân cả nước 1 hộ gia đình là 4 người, nên cần điều tra khảo sát lại con số này cho chính xác.

Ngoài ra, theo báo cáo thì 100% người dân bị thu hồi đất yêu cầu tái định cư đất nền, mà kế hoạch đất nền theo báo cáo có diện tích từ 125-300m2. Trong khi đó 99% các hộ hiện tại nhà cửa nhà cấp 4 mà mua đất nền với diện tích như vậy thì liệu có đủ tiền mua không? Đặc biệt không có quy định diện tích suất tái định cư tối thiểu. Vì trong Luật Đất đai khi người dân tái định cư không đủ tiền mua đất tái định cư tối thiểu thì Nhà nước phải hỗ trợ để người ta mua được.

Đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai): Về chuyển đổi nghề, báo cáo chi tiết của Đồng Nai có điểm khá rõ ràng, quan tâm tới 4% số lao động có độ tuổi ngoài 40. Việc đào tạo nghề cho nhóm trẻ gắn với các doanh nghiệp, chứ không đơn thuần đi theo kênh của Sở LĐTBXH.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn