MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ngày 1.9. Ảnh: TTXVN

Thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân

VƯƠNG TRẦN - XUÂN HẢI LDO | 03/09/2020 08:33
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh bài học: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Trong bài viết, “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: Năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là thực tiễn nóng hổi rất sinh động, phong phú để chúng ta tiếp tục khẳng định, bổ sung và làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm đã được đúc rút từ những nhiệm kỳ trước.

Nhắc tới nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước lưu ý: Để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hoá về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thật trong sạch, vững mạnh, làm cho Đảng thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Trao đổi với PV Lao Động, GS.TS Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) nêu suy nghĩ, trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết rất sâu sắc, rất quan trọng. Đặc biệt trong những ngày lễ trọng đại của đất nước, chúng ta lại càng suy nghĩ nhiều hơn về việc này. Đặc biệt, trong những bài học kinh nhiệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước có nhắc tới việc trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn xác định “dân là gốc”. Nhắc lại câu nói “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, đây là bài học kinh nghiệm đã được đúc kết từ xưa, tới nay qua các thế hệ vẫn được duy trì tinh thần này. Từ đó, nếu phát huy được tinh thần “dân là gốc” thì sẽ phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc.

GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng có nêu nhắc nhở phải luôn xác định “dân là gốc” cũng chính là nhắc những người cán bộ phải thực sự làm việc vì dân, cống hiến, đóng góp vì nước vì dân. Và bản chất của một chế độ, bản chất của một nhà nước số một là phục vụ nhân dân, phụng sự nhân dân và chỉ có vì nhân dân thì chế độ đó, nhà nước đó mới thực sự bền vững.

Lời nhắc nhở với mỗi cán bộ, đảng viên

Cũng theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, bên cạnh những cán bộ mẫn cán, hy sinh, đóng góp thì cũng có những cán bộ còn lơ là tinh thần vì dân. Vì thế lời nhắc nhở, bài học kinh nghiệm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng chỉ ra là rất hợp thời, đúng lúc. Điều quan trọng là phải cụ thể hoá được tinh thần này trong những việc làm, hành động cụ thể trong cách công việc của Đảng, của Nhà nước. Và sau đó phải triển khai được việc này trong thực tiễn thì sẽ có niềm tin rất lớn trong nhân dân.

Cùng trao đổi về việc này, PGS-TS Vũ Quang Thọ (Nguyên Viện trưởng, Viện Công nhân và Công đoàn) cho rằng, trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đã nhắc lại và đúc kết lại tinh thần của các bậc tiền nhân từ xưa tới nay đó là luôn phải xác định “dân là gốc”. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển đất nước, việc xác định “dân là gốc” chính là truyền thống, mạch nguồn của dân tộc ta. Và để dân tộc được trường tồn, được thịnh vượng thì nguyên tắc “dân là gốc” là không thay đổi.

Cũng theo PGS-TS Vũ Quang Thọ, việc xác định “dân là gốc” chính là biết tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc làm trọng. Ở một góc độ khác, khi Đảng, Nhà nước đã xác định “dân là gốc” thì dân cũng phải thấy rằng, mình đang là lực lượng chở thuyền nên phải làm cho cái thuyền nổi. Thuyền là sự nghiệp cách mạng của Đảng và vì thế cho nên không được ai đứng ngoài cuộc. Do vậy, ở đây cần phải xử lý hiệu quả mối quan hệ giữa thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

PGS-TS Vũ Quang Thọ cho rằng, xác định việc “dân là gốc” thì phải lấy dân chủ trong nhân dân, phải lấy dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra từ khẩu hiệu thành hành động thực sự. Và khi đã trở thành hành động thực sự của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thì tạo thành sức mạnh của toàn dân tộc và đó chính là hồng phúc của đất nước.

“Để khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đi vào thực tế, vào hành động thực sự thì phải làm cho người dân biết. Mà muốn người dân biết thì mọi việc cần phải được công khai, minh bạch. Đồng thời, cán bộ phải là người nêu gương trước. Ví dụ chống tham nhũng thì cán bộ phải chống tham nhũng trước. Và nếu làm được như vậy thì người dân sẽ có niềm tin bởi dân thấy việc nói đi đôi với làm chứ không chỉ có hô hào” - PGS. TS Vũ Quang Thọ nói.

Liên hệ ở góc nhìn mối quan hệ đoàn kết giữa quân đội với nhân dân, theo Trung tá, PGS. TS Nguyễn Đình Bắc (Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng) cho hay, mối quan hệ đoàn kết giữa quân đội với nhân dân là mối quan hệ gắn bó “máu thịt”, là nguồn gốc quan trọng góp phần vào sự trưởng thành, lớn mạnh và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam từ khi xây dựng và trưởng thành. Đây cũng chính là một trong những mối quan hệ cơ bản nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đặc biệt quan tâm, dày công vun đắp nhằm xây dựng nên một đội quân cách mạng của dân, do dân và vì dân, một “quân đội chân chính của nhân dân”. Tr.V

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn