MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Trương Minh Hoàng đề xuất thay đổi cách tính lương, thời gian nâng hàm để tạo sự bình đẳng giới. Ảnh: QH.

Thay đổi cách tính lương để tạo bình đẳng giới

Đức Thành - Xuân Hải LDO | 09/11/2017 09:29

Sáng nay, 9.11, Quốc hội thảo luận về bình đẳng giới, các đại biểu đều khẳng định vai trò của người phụ nữ trong cuộc sống, công tác là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, nhiều chính sách vẫn chưa thực sự đảm bảo việc bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Đặc biệt, tỉ lệ nữ tham gia cán bộ chủ chốt còn khá thấp.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng "ở kỳ họp này, chỉ từ đầu tháng tới giờ ban hành 15 dự án luật thì 10 luật đã lồng ghép được bình đẳng giới, từ đó cho thấy sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị. Ví dụ như quốc hội khóa 12 có 16/67 luật, quốc hội khóa 13 có 42/105 luật lồng ghép bình đẳng giới, đó là một sự tiến bộ". 

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng có nhiều băn khoăn khi "một số chỉ tiêu không đạt như phụ nữ tham gia cấp ủy, cán bộ chủ chốt… Ngay cả thành viên chính phủ tới nay cũng chỉ có duy nhất 1 nữ. 16/63 tỉnh thành cán bộ chủ chốt có nữ" - đại biểu Hoàng chia sẻ.

Khẳng định vai trò của phụ nữ là đặc biệt quan trọng, đại biểu Hoàng trích dẫn Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị: “Phải chăm lo cán bộ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm về quyền lợi hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người”.

"Thật vậy, bởi họ không chỉ chăm lo mái ấm gia đình mà còn cùng nam giới thực hiện chăm lo việc đất nước, và phát triển làm giàu cho đất nước. Cái này tôi nghĩ rằng ai cũng ghi nhận. Hàng năm ghi danh rất nhiều nữ doanh nhân, vinh danh nhiều phụ nữ, nhiều tổ chức chính trị trong hoạt động của mình cũng thực hiện việc vinh danh phụ nữ" - đại biểu Hoàng tiếp lời.

Từ đó, đại biểu Trương Minh Hoàng nêu ra kiến nghị "Phải có chiến lược cụ thể để nâng cao vai trò phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ để có chất lượng lâu dài, nâng cao trình độ cao, tạo cơ hội đề bạt, cân nhắc xem xét hoặc không nên tính đến độ tuổi thì người ta mới có cơ hội làm cán bộ chủ chốt ở độ tuổi như nam được.

Nếu vẫn giữ độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ là 55 tuổi thì tôi đề nghị cách tính năm, tính hàm phải có sự thay đổi thế nào đó để khi nghỉ hưu thì bằng hàm như nam. Ví dụ như nam 3 năm nâng lương một lần, 3 năm nâng một cấp hàm đối với sĩ quan. Thì đối với nữ chỉ cần 2,5 năm thôi. Như thế đến tuổi nghỉ hưu người ta mới bằng nam giới được.

Cần đặc biệt quan tâm tới độ tuổi ở nữ, và trẻ em, nhất là trẻ em và phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số và ở khu vực vùng sâu vùng xa, phụ nữ lớn tuổi đơn thân… Tới đây cần lấy ý kiến phụ nữ để xem là ở độ tuổi nào thì hợp lý" - đại biểu Hoàng đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn