MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người trồng cà phê ở Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung

Thêm chính sách đặc thù để Buôn Ma Thuột thành trung tâm công nghệ cao

NHÓM PV LDO | 07/11/2022 11:47

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có cơ chính sách đặc thù với những ưu đãi cao nhất về chính sách đầu tư, về thuế, về tín dụng, về khoa học công nghệ để Buôn Ma Thuột phát triển thành 1 trung tâm công nghệ cao, chế biến sản phẩm của rừng và cây công nghiệp.

Phát triển Buôn Ma Thuột là thành phố cà phê của thế giới

Sáng 7.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) bày tỏ thống nhất với việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột.

Nghị quyết đã xác định đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột góp phần trở thành thành phố cà phê của thế giới.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh.

Theo đại biểu, ngành cà phê không thể phát triển đơn độc, do đó bên cạnh việc phát triển vùng nguyên liệu cà phê thì rất cần phát triển các nguyên liệu khác có thể trở thành sản phẩm sau cà phê, sản phẩm phụ trợ cho cà phê.

Nếu chủ động trong việc xây dựng vùng nguyên liệu đủ mạnh, đủ hấp dẫn và đảm bảo trong tất cả mọi tình huống thì chính sách về phát triển cà phê sẽ an toàn hơn.

Đại biểu cho rằng, việc tập trung vào một địa bàn, địa giới hành chính là chưa đủ mạnh. Do đó, cần phải mở rộng các vùng phụ cận, rộng hơn nữa là các vùng nguyên liệu của Tây Nguyên và trong nước.

Song hành với đó là chính sách việc làm, thu nhập cho người lao động ở trên các lĩnh vực cà phê và nguyên liệu nói chung. 

Về chính sách khuyến khích nghiên cứu ứng dụng khoa học và thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu cho rằng bên cạnh các chính sách chung để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần có các cơ chế đặt hàng, giải thưởng bản quyền để khuyến khích việc nghiên cứu khoa học theo các lĩnh vực mà thành phố cần.

Bên cạnh đó có những cơ chế để thu hút được những nhà khoa học, những viện nghiên cứu, cơ sở nghiên cứu có uy tín.

Mức đề xuất được miễn, giảm phải bảo đảm cạnh tranh, công bằng

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, đây là lần đầu tiên Quốc hội nghiên cứu và ban hành một Nghị quyết về mô hình cơ chế, chính sách đặc thù cấp huyện, thị so với các mô hình đã áp dụng với các địa phương khác như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa.

Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, đại biểu cho rằng, quy định nội dung này còn một số mặt chưa hợp lý.

Dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuật được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ dẫn đến phạm vi việc miễn, giảm khá rộng, thời gian áp dụng lại khá dài sẽ dẫn đến tâm lý thiếu công bằng đối với các địa phương khác trong cả nước.

Đồng thời, tác động ưu đãi này có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, dễ thu hút nguồn lực đầu tư giữa các địa bàn trong khu vực Tây Nguyên và tạo kẽ hở cho chuyển giá nội địa của một số doanh nghiệp. 

Đại biểu Nguyễn Tạo.

Khắc phục tình trạng được mùa, mất giá của nông dân

Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn Kon Tum cho rằng, bên cạnh những chính sách đã trình cần có thêm một số chính sách để thành phố phát triển đột phá mạnh hơn. Đại biểu nêu rõ, thế mạnh của Tây Nguyên là rừng và cây công nghiệp.

Rừng đối với đồng bào Tây Nguyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Từ rừng đồng bào đã hình thành và xây dựng nên một hệ thống ứng xử giữa người và rừng, tạo nên nền tảng của văn hóa phong tục tập quán Tây Nguyên. 

Do đó, cần có thêm cơ chính sách đặc thù với những ưu đãi cao nhất về chính sách đầu tư về thuế, về tín dụng, về khoa học công nghệ để Buôn Ma Thuột phát triển thành 1 trung tâm công nghệ cao, chế biến sản phẩm của rừng và cây công nghiệp. Từ đó tạo nên chuỗi giá trị và thương hiệu sản phẩm đặc trưng của rừng và cây công nghiệp của Tây Nguyên.

Đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh, một trung tâm như vậy sẽ giúp đồng bào giữ gìn và phát triển rừng và tiêu thụ hàng hóa nông sản, khắc phục được tình trạng được mùa, mất giá của nông dân trồng nông sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn