MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS Võ Đại Lực phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Đông

Thêm ưu đãi để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, giải quyết vấn đề lao động

Phạm Đông LDO | 22/04/2022 13:38

GS.TS Võ Đại Lược nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam là động lực quan trọng của nền kinh tế. Cần có thêm ưu đãi doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI thực sự đổi mới, sáng tạo, giải quyết vấn đề lao động.

Ngày 22.4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội thảo “Kết nối cung – cầu: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, GS.TS Võ Đại Lược đề xuất, trước hết Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và hộ gia đình ngang với doanh nghiệp FDI. Những chính sách này phải có sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ.

Nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam là động lực quan trọng của nền kinh tế, GS.TS Võ Đại Lược đề nghị, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực và công nghệ kỹ thuật. Đồng thời có thêm ưu đãi doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI thực sự đổi mới, sáng tạo, giải quyết vấn đề lao động.

Toàn cảnh buổi hội thảo.

Ông Lược cho rằng, các doanh nghiệp cần có sự thay đổi trong quản lý nhân sự, khuyến khích sử dụng lao động nước ngoài, tuyển dụng người tài vào làm việc, kết hợp hiện đại hóa cơ chế quản trị, tiếp thu, học hỏi từ các doanh nghiệp nước ngoài để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới trong kinh doanh.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đề xuất, cần tập trung thúc đẩy phát triển thương mại điện tử để kích thích tiêu dùng của giới trẻ. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh liên kết vùng, từ đó có định hướng, hoạch định các cơ chế chính sách hoạch định phát triển vùng, tránh được tình trạng mất cân đối, dư cung và không gây khó khăn cho tiêu dùng.

Bà Lan cho rằng, cần kết nối vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, làm cầu nối để cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, để người tiêu dùng hài lòng với các sản phẩm hàng Việt Nam đòi hỏi phải có định hướng kinh doanh, nắm bắt được xu thế của thị trường thế giới, phù hợp với thị hiếu. Thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị sản phẩm, nắm chắc tình hình cung – cầu, không sản xuất hàng hóa dư thừa.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Tại hội thảo, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động khẳng định, một trong những giải pháp cơ bản trong phát triển thị trường trong nước là phải tạo lập được chuỗi kết nối cung - cầu.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ của doanh nghiệp. Từ đó giúp phục hồi kinh tế, đạt mục tiêu tăng trưởng như dự báo, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động.

Tình hình hiện nay đang đặt lên vai các doanh nghiệp trách nhiệm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn