MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Tư pháp. Ảnh: Trần Vương

Thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, trích lục khai tử tại 2 địa phương

Vương Trần LDO | 19/04/2023 15:09

Bộ Tư pháp đã triển khai việc thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam. 

Hơn 100 trẻ em được cấp bản điện tử giấy khai sinh trong ngày đầu thí điểm

Chiều 19.4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo, cung cấp thông tin về công tác tư pháp Quý I/2023.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết: Trong Quý I/2023, việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ, gọi tắt là Đề án 06) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, bắt đầu từ sáng ngày 17.4.2023, Bộ Tư pháp đã triển khai việc thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam. 

Trong ngày đầu tiên vận hành thí điểm, đã có 101 trẻ em được cấp bản điện tử Giấy khai sinh; 17 trường hợp được cấp Trích lục khai tử trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố. 

Bộ Tư pháp là 1 trong 2 Bộ có chỉ số cải cách hành chính trên 90 điểm

Ông Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm triển khai toàn diện, bàn bản. Bộ đã kết nối thành công 8 dịch vụ công thuộc lĩnh vực hộ tịch và đăng ký biện pháp bảo đảm lên Cổng dịch vụ công quốc gia nâng tổng số dịch vụ công của Bộ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 58 dịch vụ công.

Đặc biệt, theo kết quả công bố xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương PAR INDEX 2022 được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại phiên họp vào sáng nay (19.4), Bộ Tư pháp được xếp vào nhóm một trong hai cơ quan có điểm số trên 90 điểm. 

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đạt nhiều kết quả cụ thể. Đáng chú ý, ngày 15.3, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). 

Hội nghị đã tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng, có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, toàn diện, trực tiếp vào dự thảo Luật. Công tác thẩm định tiếp tục được Bộ Tư pháp tổ chức chặt chẽ, đúng quy định.

Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 7 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 22 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có một số dự án, dự thảo quan trọng như: dự án Luật Căn cước công dân; dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030… 

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã thực hiện thẩm định đối với 81 TTHC tại 9 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (5 luật, nghị định, 1 quyết định) do các bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo.

Trong đó, Bộ đã đề nghị sửa đổi 49 thủ tục (chiếm tỉ lệ 60% tổng số thủ tục hành chính quy định tại các đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản), đề nghị quy định bổ sung 6 thủ tục.

Ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp tập trung bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của VBQPPL, có ý kiến về nhiều quy định nhằm tháo gỡ khó khăn về sản xuất - kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời đã phát hiện các quy định chưa đúng thẩm quyền, mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định pháp luật hiện hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn