MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh Quochoi.vn

Thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, cấp phường tại Đà Nẵng

VƯƠNG NGUYÊN CHUNG LDO | 19/06/2020 16:31

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thông qua Nghị quyết Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Chiều 19.6, với 92,13% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Một nội dung lớn được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chính là vấn đề cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương các cấp ở thành phố Đà Nẵng khi thực hiện thí điểm, bởi việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị là vấn đề rất quan trọng, cần được nghiên cứu, xem xét thận trọng, nơi nào đủ điều kiện, được sự đồng thuận, thống nhất cao thì mới triển khai thực hiện.

Giải trình vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đề nghị khi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, cần đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố theo hướng tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; làm rõ cơ chế giám sát đối với chính quyền địa phương ở quận, phường và các cơ quan tư pháp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để thể hiện trong dự thảo Nghị quyết. Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định mỗi Ban của Hội đồng nhân dân thành phố có không quá hai Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thành phố có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

Quy định này nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho thành phố trong trường hợp cần bố trí tăng thêm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách tại mỗi Ban.

Một số ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND để bảo đảm quyền của người dân trong việc lựa chọn người đứng đầu chính quyền địa phương, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân là hình thức dân chủ trực tiếp, qua đó nhân dân giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu chính quyền địa phương. Để có thể áp dụng được cơ chế này, cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, do đó chưa đưa quy định cụ thể về nội dung này vào dự thảo Nghị quyết.

Nghị quyết Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng gồm 12 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021.

Nghị quyết nêu rõ: Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1.7.2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Theo đó, chính quyền địa phương ở thành phố Đà Nẵng là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố. Chính quyền địa phương ở các quận thuộc thành phố Đà Nẵng là Ủy ban nhân dân quận. Ủy ban nhân dân quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng...

Ngoài ra, việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của thành phố Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và một số nhiệm vụ, quyền hạn khác. Như vậy, với Nghị quyết mới được thông qua này, cả nước có hai địa phương thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị (thành phố Hà Nội và thành phố Đà Nẵng).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn