MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiên họp sáng 21 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VPQH

Thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng thu được trên 21.200 tỉ đồng

PHẠM ĐÔNG - NGÔ CƯỜNG LDO | 21/11/2023 09:48

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đối với khoản thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, đã thi hành xong 4.963 việc, thu được trên 21.264 tỉ đồng tăng hơn 9.490 tỉ đồng.

Thu được trên 20.405 tỉ đồng trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 21.11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác thi hành án năm 2023.

Về kết quả thi hành án dân sự, ông Lê Thành Long cho biết, tổng số việc phải thi hành là 923.541 việc, có điều kiện thi hành 691.593 việc. Thi hành xong 575.667 việc, đạt tỉ lệ 83,24%.

Tổng số tiền phải thi hành trên 392.000 tỉ đồng, có điều kiện thi hành trên 192.712 tỉ đồng. Thi hành xong trên 89.505 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 46,44%.

Đối với khoản thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, đã thi hành xong 4.963 việc, thu được trên 21.264 tỉ đồng tăng hơn 9.490 tỉ đồng.

Kết quả thi hành án đối với khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, đã thi hành xong 2.264 việc, thu được trên 20.405 tỉ đồng.

Đã thi hành xong 61.262 việc, thu được số tiền trên 3.906 tỉ đồng của người phải thi hành án đang là phạm nhân tại các trại giam thuộc Bộ Công an.

Về hạn chế, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, số việc thi hành án chuyển kỳ sau còn nhiều, các khoản thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng chưa cao. Số đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự có chiều hướng tăng.

Nguyên nhân của tình trạng trên do một số quy định về thi hành án dân sự trở nên bất cập, quan điểm áp dụng pháp luật trong một số trường hợp còn khác nhau. Tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế phải xử lý ở nhiều địa phương khác nhau, tính chất pháp lý phức tạp.

Số việc và tiền thụ lý mới tăng cao so với các năm trước trong khi nguồn lực bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Phần lớn số vụ việc chưa thi hành xong có liên quan đến lĩnh vực đất đai, xảy ra đã lâu

Về kết quả thi hành án hành chính, các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện theo dõi 1.388 bản án, quyết định có hiệu lực có nội dung phải thi hành. Trong đó, ban hành văn bản thông báo tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án đối với 769 vụ việc; tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 718 vụ việc.

Đến nay, đã thi hành xong 582 bản án, quyết định (tăng 153 bản án, quyết định so với năm 2022).

Tuy nhiên, số bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực chưa thi hành xong vẫn còn nhiều. Còn nhiều vụ việc, người bị kiện là các cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định cung cấp chứng cứ và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước trước Tòa án.

Nguyên nhân là do các vụ việc khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính hầu hết có tính chất phức tạp. Phần lớn số vụ việc chưa thi hành xong có liên quan đến lĩnh vực đất đai, xảy ra đã lâu, quá trình tổ chức thi hành phải thực hiện lại trình tự, thủ tục liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư… trong khi nhiều quy định, chính sách pháp luật về lĩnh vực này đã thay đổi.

Về công tác thi hành án phạt tù, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, tính đến ngày 30.9.2023, còn 180.905 người có án phạt tù.

Về công tác xét, đề nghị tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện: đã đề nghị TAND cấp tỉnh ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho 103 phạm nhân.

Đồng thời đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho gần 98.000 phạm nhân; lập hồ sơ, đề nghị và được TAND có thẩm quyền quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện cho trên 1.600 phạm nhân.

Về hạn chế, công tác quản lý giam giữ phạm nhân ở một số trạm giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ còn xảy ra sơ hở dẫn đến phạm nhân lợi dụng trốn, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ. Một số cán bộ, chiến sĩ vi phạm quy trình, chế độ công tác phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Về nhiệm vụ, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

Tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra công vụ, nội bộ, xác định trách nhiệm của người đứng đầu. Thực hiện các biện pháp quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn