MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Cấn Văn Lực cho rằng, không dùng ngân sách để giải cứu bất động sản, nên dùng cơ chế, chính sách và vốn mồi. Ảnh: Nhật Bắc

Thị trường bất động sản: Cần minh bạch và chuyên nghiệp hơn

Ái Vân LDO | 17/02/2023 19:41

TS Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường bất động sản cũng như thị trường tài chính, cần tiến tới minh bạch thị trường và chuyên nghiệp hơn.

Giá bất động sản tương đối cao so với thu nhập của người dân

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" diễn ra ngày 17.2, các chuyên gia, đại biểu đã nêu nhiều ý kiến đóng góp và giải pháp để phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay có hiện tượng "bất thường", bởi kinh tế vĩ mô rất tốt nhưng thị trường bất động sản lại gần như "đóng băng" và rõ ràng là có điểm nghẽn cần tháo gỡ.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, có 8 nhóm khó khăn, vướng mắc chính. Trong đó, yếu tố đầu tiên là môi trường pháp lý còn nhiều điểm nghẽn. Đây là khó khăn lớn nhất hiện tại. Nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu nhất quán, không rõ ràng, không được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời, chưa phù hợp với thực tiễn...

Trong khi đó, tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy tồn tại ở một bộ phận cán bộ công chức khá rõ nét, khiến cho nhiều dự án không thể triển khai được, hoặc thời gian triển khai kéo dài, muốn bán hay chuyển nhượng cũng không được, muốn thế chấp cũng không xong, muốn nộp tiền thuê cũng khó... dẫn đến bất động sản bị bỏ hoang, tồn kho, lãng phí, tốn kém, suy giảm niềm tin...

Bên cạnh đó, biến động về chi phí đầu tư, xây dựng rất mạnh trong khi chúng ta ban hành nhiều đơn giá, định mức chưa kịp thời. Quan hệ cung - cầu lệch pha, giá cả chưa hợp lý...

Riêng về giá cả, hiện nay, TS Cấn Văn Lực cho rằng, giá bất động sản của chúng ta đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân.

Người Việt Nam trung bình cần ít nhất 23,5 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia (càng cao, càng đắt) trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc (trong khi thu nhập của chúng ta thấp hơn họ); cao hơn nhiều so với các nước Indonesia (18,5 năm), Singapore (15,5 năm), Ấn Độ (9,2 năm) và Malaysia (8,1 năm)....

Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung hạn chế, thiếu trầm trọng nhà ở phù hợp túi tiền và dư thừa ở một số phân khúc khác (đặc biệt là phân khúc cao cấp), chi phí ở các khâu làm dự án đều cao ...

Dùng vốn mồi để hỗ trợ thị trường phát triển

Trên cơ sở đó, TS. Cấn Văn Lực có một số kiến nghị. Ông cho rằng, trước tiên cần xác định Nhà nước không nhất thiết phải dùng tiền ngân sách để hỗ trợ, giải cứu thị trường bất động sản mà chúng ta dùng cơ chế, chính sách và vốn đối ứng, nhất là vốn mồi (chủ yếu đối với nhà ở xã hội) để hỗ trợ, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn.

Quan điểm nữa là thị trường bất động sản cũng như thị trường tài chính, cần tiến tới minh bạch thị trường và chuyên nghiệp hơn.

Đồng thời, nên có một đề án tổng thể phát triển nhà ở xã hội.

Vấn đề nữa là cần điều tiết quan hệ cung – cầu và muốn như thế phải có thông tin dữ liệu. Đây là vấn đề quan trọng với thị trường.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, cân nhắc sớm cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay trong tháng này để tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện sớm.

Bỏ thói quen kinh doanh chộp giật, thiếu chuyên nghiệp

Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, chúng ta cần xây dựng chính sách bất động sản không thể để các nhà đầu cơ mua gom bất động sản, mua gom tài nguyên để tích trữ, biến đó thành lợi nhuận khổng lồ trong tương lai, trong khi nhu cầu của người dân không được đáp ứng.

Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, một vấn đề thị trường bất động sản đang gặp phải đó là tình trạng thiếu cung, thừa cầu. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Nghĩa mong muốn, Chính phủ tập trung vào các nền tảng bất động sản, thu gom tài nguyên trực tiếp và phát triển công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo.

"Chúng ta xây dựng thị trường bất động sản lành mạnh, lâu dài và phải gắn với việc phát triển công nghiệp, đặc biệt gắn với nhu cầu thiết yếu của nhân dân".

Ông Nghĩa cũng cho rằng, các doanh nghiệp phải bỏ thói quen kinh doanh chộp giật, thiếu chuyên nghiệp, chưa có tầm quốc tế.

"Tôi cũng xin có một vài ý kiến khác, một là bỏ cơ chế nhà ở xã hội mà xây dựng một cơ chế mới cho nhà ở cho người thu nhập thấp; thứ hai là phải đánh thuế về đầu cơ nhà ở; thứ 3 là chính quyền địa phương phải quyết định giá đền bù mặt bằng theo giá thị trường tại thời điểm đó...", ông Nghĩa kiến nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn