MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam mới chỉ có hệ thống kho dự trữ xăng dầu thương mại, chưa có kho dự trữ quốc gia. Ảnh: Hải Nguyễn

Thị trường xăng dầu trong nước bị động, thiếu hụt nguồn cung

PHẠM ĐÔNG LDO | 12/10/2023 13:08

Theo đánh giá, thị trường xăng dầu trong nước còn bị động, thiếu hụt nguồn cung và vướng mắc trong cơ chế điều hành. Hiện nay, Việt Nam có tỉ lệ nhập khẩu xăng dầu khoảng 20-30%.

Sáng 12.10, tại phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Theo đoàn giám sát, sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn.

Những bất cập trong cung ứng năng lượng, nhất là việc chuẩn bị nhiên liệu sơ cấp thực hiện kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia hằng năm, dự trữ xăng dầu, trong đó chưa kịp thời chỉ đạo, thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ cuối năm 2022, gây bức xúc trong dư luận xã hội, cử tri và nhân dân.

Cũng theo đoàn giám sát, hiện nay, Việt Nam mới chỉ có hệ thống kho dự trữ xăng dầu thương mại, chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu của Nhà nước và chưa có hệ thống dự trữ quốc gia về than, khí thiên nhiên.

Giá xăng dầu trong nước được điều hành để cơ bản phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.

Việc này góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

Tuy nhiên, thị trường xăng dầu trong nước còn bị động, thiếu hụt nguồn cung và vướng mắc trong cơ chế điều hành. Hiện nay, Việt Nam có tỉ lệ nhập khẩu xăng dầu khoảng 20-30%.

Có 2 doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước, đáp ứng 70-75% nhu cầu nội địa, nếu bị ngừng sản xuất do duy tu, bảo dưỡng kéo dài thì ảnh hưởng ngay đến thị trường trong nước. Do đó, trong giai đoạn gần đây, thị trường xăng dầu trong nước bị động và thiếu hụt nguồn cung và gặp những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế điều hành giá.

Trong lĩnh vực nhập khẩu, kinh doanh, phân phối xăng dầu, trên thị trường có 35 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (đã bao gồm 2 doanh nghiệp đầu mối sản xuất xăng dầu và không tính 04 doanh nghiệp chỉ kinh doanh xăng dầu hàng không); khoảng trên 300 doanh nghiệp phân phối; tổng hệ thống cửa hàng bán lẻ trên cả nước là 17.000 cửa hàng.

Bên cạnh đó, dự án về xăng sinh học chưa hấp dẫn người tiêu dùng, về cơ bản đã không thành công.

Về giải pháp, đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu, rà soát việc quyết định các chủ trương và lộ trình nâng mức dự trữ quốc gia về dầu thô và sản phẩm xăng dầu đến năm 2030; đầu tư hệ thống kho dự trữ quốc gia về dầu thô và sản phẩm xăng dầu.

Ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kho, cảng nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG), quy mô lớn quốc gia; đầu tư hệ thống hạ tầng kho, cảng trung chuyển than và dự trữ than phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng.

Đồng thời, đánh giá thực trạng, hiệu quả của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, việc điều hành Quỹ phải bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả. Có cơ chế điều chỉnh các loại thuế áp dụng đối với xăng dầu để điều tiết thị trường, bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế vĩ mô và ổn định an sinh xã hội.

Tăng cường công khai, minh bạch thông tin về nguồn cung xăng dầu, sản lượng các doanh nghiệp lọc hóa dầu trong nước, lượng nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu mối.

Đoàn giám sát cũng kiến nghị, trong năm 2023, làm rõ nguyên nhân gây ra khoản lỗ của các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước phát triển năng lượng trong thời gian vừa qua; nghiên cứu đề xuất hoặc quyết định theo thẩm quyền các giải pháp xử lý dứt điểm, không để tình trạng rủi ro, mất cân đối tài chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn