MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS-TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia). Ảnh: Trần Vương

Thi tuyển cán bộ lãnh đạo: Khắc phục lỗ hổng trong công tác bổ nhiệm cán bộ

vương trần LDO | 05/03/2020 08:32

PG S-TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia) nhìn nhận, gần đây một số địa phương tiến hành thi tuyển các chức danh lãnh đạo để có thể lựa chọn cán bộ một cách tốt hơn. Hình thức thi tuyển đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, có đánh giá của Hội đồng sẽ giúp chọn được những người có tài, năng lực và tránh được những tiêu cực trong bổ nhiệm người nhà, người thân “làm quan”.

Bổ nhiệm người nhà, người thân và “chuyến tàu vét” gây bức xúc dư luận

Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về công tác cán bộ đã thẳng thắn chỉ rõ: “Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, có nơi còn xảy ra sai phạm, tiêu cực. Chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hoá bằng các cơ chế, chính sách phù hợp; kết quả thu hút trí thức trẻ và người có trình độ cao chưa đạt yêu cầu”. 

Giữa tháng 1.2020, Sở Nội vụ Gia Lai đã phải đề nghị Sở LĐTBXH tỉnh này hủy hàng loạt quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ sai quy định. Điều đáng chú ý là người thực hiện ký những quyết định này là Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Gia Lai Trần Thị Hoài Thanh ký trước thời gian nghỉ hưu không lâu. Mới đây, Thanh tra Bộ Nội vụ cũng chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm trong việc tuyển dụng công chức, cán bộ trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước của TP.Hải Phòng giai đoạn 2017-2019. Trong đó có việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý còn có trường hợp chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo theo quy định của Thành ủy Hải Phòng.

Năm 2017, Bộ Nội vụ cũng đã từng công bố công khai 11 địa phương có tình trạng bổ nhiệm người nhà làm quan với hơn 60 trường hợp được bổ nhiệm, tuyển dụng sai quy định. 

Đơn cử như vụ: “Nâng đỡ không trong sáng” ở Thanh Hóa; con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vẫn được bổ nhiệm đến Giám đốc Sở Kế hoạch - Ðầu tư… 

Khắc phục hạn chế trong tuyển dụng, bổ nhiệm 

Để khắc phục những “lỗ hổng” trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thời gian vừa qua tại nhiều cơ quan Trung ương và địa phương đã tiến hành thi tuyển với chức danh lãnh đạo cấp huyện, sở, vụ, cục. Để thi tuyển, người dự thi đủ tiêu chuẩn sẽ phải trình bày đề án khi được bổ nhiệm cương vị mới trước hội đồng. Công tác cán bộ thêm một bước rà soát và đánh giá lại để chọn được những người đủ năng lực, trí tuệ phục vụ công việc.

Mới đây, Ban Tổ chức Trung ương đã tiến hành thi tuyển chức danh lãnh đạo Tạp chí Xây dựng Đảng. Cơ quan này cũng vừa ban hành kế hoạch thi tuyển 5 chức danh lãnh đạo cấp cục, vụ. Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ  - cho biết: Việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo cũng đã được một số địa phương thực hiện thí điểm như Quảng Ninh, Đà Nẵng… Đến nay nhiều tỉnh cũng đã triển khai, hình thức thi tuyển cũng có những cách thức mới hơn để tuyển chọn được cán bộ.

“Nếu làm được công khai, minh bạch và đầy đủ các điều kiện thì sẽ khắc phục được tình trạng như việc có nơi “cả nhà làm quan” hay bổ nhiệm người quen, người thân, khắc phục tình trạng “bỏ người tài mà chọn người nhà”, đồng thời chọn được những người có trí tuệ, trách nhiệm phục vụ cho công việc” - ông Dĩnh nói. 

Theo ông Dĩnh, khi tiến hành thi tuyển, công tác cán bộ thêm một bước nữa, ứng viên cho vị trí lãnh đạo cũng được trình bày năng lực, kiến thức của mình trước Hội đồng để mọi người cùng đánh giá. Việc này sẽ hạn chế được nhiều tiêu cực. Những ứng viên tham gia dự thi với phần trình bày của mình cũng sẽ “tâm phục, khẩu phục” hơn với quyết định của Hội đồng. Điều quan trọng hơn, việc thi tuyển như vậy sẽ tạo ra được động lực phấn đấu, niềm tin cho đội ngũ cán bộ, công chức. Ai có năng lực, đủ tiêu chuẩn có thể thi tuyển để được thể hiện năng lực, trình độ của mình vào các vị trí quan trọng. 

Cùng trao đổi về việc này, PGS-TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia) nhìn nhận: Trong một thời gian, chúng ta đã thực hiện chưa tốt công tác cán bộ, còn có những khuyết điểm dẫn tới tình trạng bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “quan hệ, đồ đệ, tiền tệ rồi mới tới trí tuệ”. Ông Can cho rằng, gần đây, một số địa phương tiến hành thi tuyển các chức danh lãnh đạo để có thể lựa chọn cán bộ một cách tốt hơn. Hình thức thi tuyển đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, có đánh giá của hội đồng sẽ giúp chọn được những người có trí tuệ, năng lực và tránh được những tiêu cực...”. 

Trao đổi với phóng viên Lao Động, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và là “khâu then chốt” của “nhiệm vụ then chốt” vì “cán bộ là gốc của công việc” và “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Và thực tế, Đảng ta đã và đang tiếp tục hoàn thiện những quy định, quy trình để công tác cán bộ ngày càng được chặt chẽ, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ cũng như hạn chế những sai sót trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. T.Vương

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn