MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị đánh giá khả năng cung ứng điện cho sản xuất năm 2024. Ảnh: EVN

Thiếu điện khiến khó khăn của doanh nghiệp thêm trầm trọng

NGUYÊN ANH LDO | 13/05/2024 14:43

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, trong năm 2023 việc thiếu điện khiến tình hình khó khăn của doanh nghiệp trầm trọng hơn và có đề nghị đánh giá khả năng cung ứng điện cho sản xuất trong năm 2024.

Đề nghị đánh giá khả năng cung ứng điện cho sản xuất trong năm 2024

Ngày 13.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2023 đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cơ bản đạt được kết quả tích cực, có 10/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn như thu ngân sách nhà nước đạt 1.754,1 nghìn tỉ đồng, vượt 8,2%; thu hút vốn FDI đạt gần 36,6 tỉ USD; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỉ USD.

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo nêu rõ tình hình KTXH năm 2023 cũng còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục.

Điển hình, tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần, chất lượng tăng trưởng kinh tế chậm được cải thiện.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rõ, việc thiếu điện khiến tình hình khó khăn của doanh nghiệp trầm trọng hơn; việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả chưa được cải thiện.

Đề nghị đánh giá khả năng cung ứng điện cho sản xuất trong năm 2024, làm rõ khó khăn, vướng mắc trong ban hành chính sách phát triển năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, công tác điều hành tăng trưởng tín dụng còn bất cập, nợ xấu có xu hướng gia tăng. Thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán) còn nhiều vấn đề khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu qua kênh tín dụng ngân hàng, làm gia tăng áp lực, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng đạt 13,78% song chủ yếu tập trung tăng trong tháng cuối năm, làm giảm hiệu quả thực sự của tín dụng cho tăng trưởng kinh tế.

Chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho biết, công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, phát lệnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chưa nghiêm.

Công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật còn có những hạn chế, nhiều vấn đề tiềm ẩn phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm sở hữu, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng...

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, trong những tháng còn lại của năm 2024, Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số trọng tâm ưu tiên như tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; bảo đảm hệ thống tài chính ngân hàng an toàn, lành mạnh nhằm hỗ trợ tăng trưởng; chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn