MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.Tuấn

Thống nhất sáp nhập xã duy nhất cần sắp xếp của tỉnh Đồng Tháp

Thùy Linh LDO | 28/10/2019 11:13

Bộ Nội vụ vừa tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2019-2021.

Báo cáo tóm tắt Đề án, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Nhiều cho biết, toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, đều không thuộc diện cần sắp xếp. 

Toàn tỉnh có 144 đơn vị (118 xã, 17 phường, 9 thị trấn), trong đó, chỉ có 1 xã Thường Lạc (huyện Hồng Ngự) có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định. 

Do đó, tỉnh Đồng Tháp xây dựng phương án sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 8,48 km2 và dân số 3.233 người của xã Thường Lạc vào xã Thường Thới Hậu B để thành lập xã mới đặt tên là xã Thường Lạc. Dự kiến trụ sở làm việc đặt tại Ủy ban Nhân dân xã Thường Lạc hiện tại.

Về diện tích tự nhiên, xã Thường Lạc sau khi sáp nhập chưa đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên theo quy định của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (xã đồng bằng diện tích từ 30 km2 trở lên).

Hội đồng thẩm định đề nghị tỉnh Đồng Tháp giải trình lý do sau sáp nhập 2 xã để hình thành xã Thường Lạc mới vẫn chưa đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên theo quy định mà không tiến hành nhập thêm 1 xã liền kề nữa với xã Thường Lạc và xã Thường Thới Hậu B.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, nếu nhập thêm xã Thường Thới Hậu A, cũng là xã biên giới, thì sẽ giảm bộ máy quản lý, giảm lực lượng làm công tác bảo vệ an ninh- quốc phòng, ảnh hưởng đến thế trận phòng thủ và công tác đảm bảo quốc phòng tại khu vực biên giới.

Bản đồ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Nếu nhập thêm thị trấn Thường Thới Tiền (được thành lập tháng 3.2019, là đô thị loại V) thì có sự chênh lệch về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của cả khu vực sau khi sáp nhập.

Hoặc nếu nhập thêm xã Long Khánh A hoặc xã Long Khánh B thì chưa đảm bảo yếu tố vị trí địa lý do cách nhau bởi sông Tiền, không thuận tiện cho việc đi lại của người dân khi đến Ủy ban Nhân dân xã để giao dịch các thủ tục hành chính có liên quan.

Do đó, phương án sáp nhập xã Thường Lạc vào xã Thường Thới Hậu B là phương án tốt nhất, phù hợp với tình hình thực tế, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và đảm bảo đúng theo nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định.

Kết luận Hội nghị, ông Trần Anh Tuấn- Thứ trưởng Bộ Nội vụ giao Vụ Chính quyền địa phương phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp hoàn thiện hồ sơ, Đề án theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định.

Bổ sung, giải trình làm rõ những kiến nghị của thành viên Hội đồng thẩm định; đồng thời, xây dựng phương án, lộ trình cụ thể trong việc sắp xếp cán bộ, công chức đôi dư. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sáp nhập, tỉnh Đồng Tháp cần giải quyết ngay chế độ, chính sách sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết.

Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án của tỉnh Đồng Tháp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn