MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố Hà Nội.

Thông qua nghị quyết quản lý, sử dụng tài sản công, Chủ tịch Hà Nội có quyền gì?

VƯƠNG TRẦN LDO | 05/07/2018 17:51
Với tỷ lệ 95,1% số đại biểu tán thành, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố (TP).

Chiều 5.7, kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục diễn ra. Các đại biểu đã cho ý kiến về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công. 95,1% đại biểu tán thành thông qua nghị quyết này.

Cụ thể, Nghị quyết này quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định trong việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của TP như: Mua sắm, thuê, giao, thu hồi, bán, thanh lý... Đối tượng áp dụng gồm các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật về hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp - tổ chức - cá nhân có liên quan tới quản lý và sử dụng tài sản công.

Nghị quyết quy định nếu mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án đầu tư sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.

Đối với việc mua sắm tài sản công là nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp và tài sản gắn liền với đất, xe ôtô thì Chủ tịch UBND TP có quyền quyết định nhưng phải nằm trong định mức do Chính phủ hoặc UBND TP ban hành theo thẩm quyền và trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước hàng năm được giao.

Riêng đối với việc mua sắm các tài sản công thuộc Danh mục mua sắm tập trung (cấp quốc gia hoặc cấp TP), các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện theo quy định của Trung ương và TP về mua sắm tập trung.

Về thẩm quyền quy định thuê tài sản công, Chủ tịch UBND TP quyết định việc thuê nhà, đất sử dụng làm trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước và trụ sở làm việc cùng công trình sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP quản lý, trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính.

Trong trường hợp thu hồi tài sản công, Chủ tịch UBND TP có quyền ra quyết định thu hồi, bán cũng như điều chuyển tài sản là nhà, đất là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp và các tài sản khác gắn liền với đất, xe ôtô và các tài sản khác của các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP trong trường hợp phải thu hồi.

Riêng đối với nhà, đất là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp và các tài sản khác gắn liền với đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TP có giá trị từ 200 tỷ đồng trở lên/1 đơn vị tài sản, Thường trực HĐND TP sẽ có văn bản thống nhất về chủ trương để Chủ tịch UBND TP quyết định bán đấu giá và báo cáo HĐND TP tại kỳ họp gần nhất.

Đối với thẩm quyền thanh lý tài sản công, Giám đốc Sở Tài chính  quyết định thanh lý tài sản gồm: Trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp hoặc các tài sản gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước nhằm thực hiện dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng hoặc các trường hợp khác theo quy định. Bên cạnh đó, Sở cũng có quyền thanh lý ôtô của các cơ quan trực thuộc TP.

Ngoài ra, trong Nghị quyết cũng có quy định đáng chú ý về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công trình một số lĩnh vực như kết cấu hạ tầng giao thông và thủy lợi.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP có quyền quyết định bán đấu giá hoặc sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT. Đối với tài sản có giá trị từ 200 tỷ đồng trở lên sẽ được báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP cũng có quyền phê duyệt đề án cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác; quyết định điều chuyển, thanh lý... thuộc TP quản lý hoặc tài sản kết cấu hạ tầng thuộc quyền quản lý của từ 2 quận, huyện, thị xã trở lên, trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn