MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình hình phát triển kinh tế xã hội Thủ đô và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: Hải Nguyễn

Thu nhập người lao động ở Hà Nội chưa đáp ứng được sinh hoạt tối thiểu

PHẠM ĐÔNG LDO | 05/10/2023 10:53

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng, với mức thu nhập này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.

Trên 70% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư

Sáng 5.10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên Công đoàn, người lao động Thủ đô; lấy ý kiến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, hiện nay, Hà Nội có khoảng 270 nghìn doanh nghiệp, với trên 2,7 triệu lao động.

Theo ông Hùng, 9 tháng đầu năm 2023, tình hình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã có nhiều khởi sắc; đời sống, việc làm của công nhân lao động dần đi vào ổn định.

Tuy sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, song đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động. Đây là giải pháp quan trọng để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần tạo cho doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Đặc biệt, từ ngày 1.1.2023 mức lương tối thiểu tháng trả cho người lao động tăng bình quân xấp xỉ 6%, điều này đã hỗ trợ công nhân lao động giảm bớt những khó khăn hơn; thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, với mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như: thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao...

Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Lê Đình Hùng phát biểu. Ảnh: Phạm Đông

Về vấn đề nhà ở của công nhân lao động, ông Hùng cho biết, Hà Nội hiện có 10 Khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với 661 doanh nghiệp và khoảng 165.000 lao động; trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 80%).

"Vấn đề nhà ở cho công nhân lao động còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động. Hiện nay, dự án nhà ở của thành phố chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động, còn lại trên 70% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư", ông Hùng thông tin.

Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao... Do vậy, công nhân lao động rất mong muốn được mua nhà ở xã hội, với giá mua phù hợp để an cư, lập nghiệp.

Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như: Trường mầm non công lập còn thiếu, nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có.

Đặc biệt, khối trường phổ thông trung học còn thiếu, cùng với đó là cơ chế chỉ học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội mới đủ điều kiện được đăng ký thi vào trường phổ thông trung học công lập, điều đó đã gây bức xúc, khó khăn hơn cho người lao động nhập cư khi phải cho con học trường phổ thông trung học dân lập với chi phí học tốn kém, chưa phù hợp mức thu nhập của công nhân lao động.

Trên 83.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH-BHYT-BHTN

Để giảm bớt khó khăn đối với người lao động, TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người lao động, chủ yếu hỗ trợ người lao động làm việc tại các khu công nghiệp như: giảm giá thuê nhà trọ, giảm giá điện, nước...

Đồng thời, vận động doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các nhà máy, xí nghiệp, hỗ trợ kinh phí thuê nhà cho người lao động.

Về chính sách BHXH-BHYT-BHTN, ông Hùng cho biết số người tham gia bảo hiểm xã hội của thành phố tăng 7,8% so với năm 2022; trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm 40,4% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội còn cao, nhiều doanh nghiệp nợ, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Tính đến tháng 8.2023, có trên 83.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH-BHYT-BHTN từ 2 tháng trở lên, với số tiền nợ trên 5.300 tỉ đồng, làm ảnh hưởng đến chế độ chính sách của trên 1,1 triệu người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn