MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu chính sách thu phí trên cao tốc nhà nước đầu tư để đảm bảo lưu lượng hài hoà giữa các tuyến đường. Ảnh: Thành Vũ

Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư để san sẻ với các dự án BOT

Vương Trần - Ngô Cường LDO | 07/11/2023 11:22

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đang trình Chính phủ và sắp tới trình Quốc hội về ban hành chính sách thu phí trên cao tốc Nhà nước đầu tư để đảm bảo lưu lượng hài hoà giữa các tuyến đường, cũng như đảm bảo hiệu quả cho các tuyến BOT.

Mở rộng thí điểm dùng cát biển để làm cao tốc

Sáng nay (7.11), tiếp tục phiên chất vấn tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng về tiến độ nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

“Tình hình triển khai cho đến nay như thế nào? Việc sử dụng cát biển để thay thế cát sông trong việc giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn nguyên liệu cho các dự án đường cao tốc Bắc - Nam có khả thi hay không?”, đại biểu Trang đặt câu hỏi với Bộ trưởng Thắng.

Ngoài ra, nữ đại biểu đoàn Vĩnh Long cũng đặt vấn đề, dự báo sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, thì các tuyến BOT trên quốc lộ 1A sẽ bị san tải lưu lượng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của các nhà đầu tư.

“Có bao nhiêu dự án BOT bị ảnh hưởng? Bộ trưởng có giải pháp gì để đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước - người dân - doanh nghiệp”, đại biểu Nguyễn Minh Trang chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Media Quốc hội

Trả lời chất vấn, về vấn đề nghiên cứu cát biển làm vật liệu xây dựng đắp nền, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết bên cạnh các hội nghị, hội thảo, Bộ GTVT đã triển khai việc thí điểm sử dụng cát biển trên các công trình giao thông tại khu vực ĐBSCL.

Theo ông Thắng, kết quả thí điểm cho thấy, qua 5 lần quan trắc thì chất liệu cát biển đạt yêu cầu về vật liệu đắp nền về các chỉ tiêu kỹ thuật (sức tải, độ ổn định…) của công trình; có giá trị tương tự khi sử dụng cát sông, cũng như chưa có biểu hiện ảnh hưởng đến môi trường, cây trồng ở các khu vực xung quanh.

Hiện theo yêu cầu của các chuyên gia, Bộ GTVT và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đang mở rộng mẫu thí nghiệm cát biển ra nhiều vùng biển khác nhau như Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Dự kiến sau tháng 12, hội đồng đánh giá cấp Bộ sẽ họp và đánh giá kết quả. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ ngành xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục để mở rộng diện tích thí điểm với một số dự án đường cao tốc cũng như cho phép cát biển làm vật liệu san lấp.

“Việc khai thác cát biển phải bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Có dự án BOT giảm tới hơn 86% doanh thu

Về việc khi các dự án cao tốc triển khai hoàn thành, có một số dự án BOT dọc quốc lộ 1A bị ảnh hưởng, Bộ trưởng Thắng cho biết Bộ GTVT đã chủ động đánh giá nhận diện và thấy rằng khi khánh thành các tuyến đường cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn - Diễn Châu, Phan Thiết - Dầu Giây - Vĩnh Hảo thì 2 dự án BOT đã bị ảnh hưởng lớn. Như tại Đồng Nai, một dự án BOT sụt giảm đến 77,6% doanh thu, còn dự án tại Phan Thiết giảm tới 86% doanh thu.

“Có đường cao tốc mới đi nhanh, thuận tiện, không mất phí thì đương nhiên các phương tiện đổ dồn ra. Bộ GTVT đã nhận diện và đang trình Chính phủ và sắp tới trình Quốc hội về ban hành chính sách thu phí trên cao tốc Nhà nước đầu tư để đảm bảo lưu lượng hài hoà giữa các tuyến đường, cũng như đảm bảo hiệu quả cho các tuyến BOT”, ông Thắng cho biết.

Ông Thắng cho biết, dự kiến trong thời gian tới có 14 dự án BOT bị ảnh hưởng và phân lưu. Bộ GTVT sẽ theo dõi sát khi các tuyến cao tốc đi vào vận hành sẽ đánh giá mức độ sụt giảm doanh thu, hợp đồng BOT ký kết và các quy định pháp luật để Bộ GTVT có kiến nghị Chính phủ và Quốc hội.

“Chim sẻ hoang mang thì đại bàng lo lắng”

Cũng liên quan đến các dự án BOT giao thông, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) tranh luận với Bộ trưởng Bộ GTVT về giải pháp cho 8 dự án BOT thua lỗ là giảm lợi nhuận chủ đầu tư, giảm lợi nhuận vốn của ngân hàng.

Ông Huân cho rằng đây sẽ là cuộc đàm phán không cân bằng vì bản chất của ngân hàng là kinh doanh vốn, nếu giảm lợi nhuận thì họ có đứng vững được hay không. Còn doanh nghiệp khi đầu tư bỏ tiền đồng, thu tiền hào, liệu có ảnh hưởng niềm tin của họ hay không? "Chim sẻ hoang mang thì đại bàng lo lắng, nên cần rất cân nhắc giải pháp này", ông Huân nói

Ông Huân đề nghị dùng ngân sách Nhà nước mà Bộ GTVT được phân bổ để cơ cấu, hỗ trợ dự án phải dừng kinh doanh sớm. Nếu không hỗ trợ được một lần, một năm thì có thể chia làm nhiều năm, nhiều lần nhưng cần công bố công khai.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, đối với 8 dự án BOT hiện nay, Bộ GTVT đang làm việc sát sao với nhà đầu tư, ngân hàng "trên cơ sở đàm phán” - nguyên tắc thực hiện là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Đây là vấn đề Chính phủ, Quốc hội, Bộ GTVT đang nghiên cứu để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thu hồi được vốn.

"Không thể ấn định rằng nhà đầu tư không có lãi hay ngân hàng phải miễn lãi toàn bộ", ông Thắng nói và đề xuất dùng ngân sách mua lại toàn bộ 5 dự án, còn 3 dự án được hỗ trợ dưới 50% theo quy định pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn