MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Thủ tục hành chính về đất đai, phòng cháy chữa cháy, lý lịch tư pháp còn nhiều rào cản

PHẠM ĐÔNG LDO | 19/04/2023 11:11

Thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước về đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư công, phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng, lý lịch tư pháp, tài chính ngân sách…  còn nhiều rào cản.

Ngày 19.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ - chủ trì phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo.

Theo Cổng thông tin Chính phủ, tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo - đã nhấn mạnh một số kết quả nổi bật về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số...

Theo ông Sơn, đến nay, các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định về kinh doanh, gần 150 quy định chuẩn bị ban hành và cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định của 10, bộ, cơ quan, theo đó phải sửa đổi, bổ sung 197 văn bản quy phạm pháp luật, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 396 quy định kinh doanh tại 54 văn bản quy phạm pháp luật.

Về chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính, việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh.  Đến nay, có 25,9% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9.2022; 62,7% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả, tăng 4 lần so với tháng 9.2022.

Một số bộ, địa phương đã triển khai tốt công tác này như: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị, Lâm Đồng…

Việc thí điểm 2 dịch vụ công liên thông "đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi" và "đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí" được tích cực triển khai tại 2 địa phương (Hà Nội và Hà Nam). Văn phòng Chính phủ đã ban hành quy trình liên thông điện tử đối với 2 nhóm dịch vụ công liên thông để triển khai thống nhất trên toàn quốc.

Thủ tục hành chính đã được công khai, minh bạch; tạo thuận lợi cho người dân giám sát. Đến nay, đã công khai hơn 6.400 thủ tục hành chính.

Đề án 06 được triển khai đã giúp tạo đột phá trong phát triển công dân số, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử, tăng gần 2,9 triệu thẻ so với năm 2022; kích hoạt trên 6 triệu tài khoản định danh điện tử (VNeID)...

Bên cạnh đó, ông Trần Văn Sơn cũng nêu rõ, thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn nhiều rào cản (nhất là những thủ tục hành chính trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước, thủ tục hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư công, phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng, lý lịch tư pháp, tài chính ngân sách…).

Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm. Một số bộ chưa trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh. Một số bộ, ngành, địa phương chưa khai thác hiệu quả Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, chưa tích cực phản hồi ý kiến của người dân, doanh nghiệp.

Việc ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính và nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm; tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, còn tình trạng làm thay, làm hộ người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Ông Sơn cũng nêu rõ còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, thiếu chủ động, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức; đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác…

Tình trạng này dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; làm suy giảm niềm tin trong doanh nghiệp, người dân đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn