MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thủ tướng chỉ đạo 10 vấn đề để ĐBSCL phát triển mạnh mẽ và đột phá

Thành Nhân - Văn Sĩ LDO | 21/06/2022 14:39

Sau khi nghe các ý kiến của bộ, ngành, địa phương và đại diện của các tổ chức quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo 10 vấn đề phải làm trước tiên để đưa vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ và đột phá.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc", cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần được phát huy cao hơn, và tiềm năng, lợi thế to lớn cần được phát triển thành nguồn lực, cần được khai thông, tháo gỡ có hiệu quả hơn nữa.

Tuy vậy, cũng thẳng thắn nhìn nhận, ĐBSCL vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức; chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, tiềm năng thì lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; phần đóng góp của vùng vào kết quả chung của cả nước vẫn còn hạn chế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận và chỉ đạo tại hội nghị công bố quy hoạch vùng ĐBSCL. Ảnh: TTXVN
Bên cạnh đó, việc thu hút FDI còn thấp (đứng thứ 4/6 các vùng), đầu tư tư nhân chưa nhiều. Xây dựng nông thôn mới còn chậm, du lịch, dịch vụ chưa phát triển, phần lớn các địa phương mới chỉ tập trung khai thác sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn, thiếu cơ sở lưu trú chất lượng cao để đón khách quốc tế và các dịch vụ khác liên quan du lịch... Ngoài ra, khu vực này là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao, sạt lở bờ sông, nước dâng do bão lũ và các rủi ro liên quan đến khí hậu khác…

Để đưa vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu một số nhiệm vụ, giải pháp trước mắt phải thực hiện như sau:

1. Về công tác phòng chống dịch: Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (Nghị quyết 38/NQ-CP), không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Quyết liệt triển khai chiến lược tiêm vaccine, nhất là cho trẻ em từ 5-11 tuổi, tiếp tục tiêm mũi thứ 3, thứ 4, hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia đã đề ra, bảo đảm an toàn, hiệu quả, kịp thời.

2. Tập trung xây dựng các kế hoạch và đầu tư cơ sở vật chất nhằm đầu tư toàn diện cho giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường xây dựng các trường đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, nhất là đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư; xây dựng các trường đại học có thương hiệu trong nước và khu vực.

3. Về triển khai Quy hoạch vùng ĐBSCL: Các địa phương vùng ĐBSCL cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.

4. Về phát triển hạ tầng: Trong giai đoạn tới, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Trong đó, các tuyến cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần "qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất"; không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng, không tác động lớn tới đời sống người dân và tạo ra không gian phát triển mới,...

5. Đẩy mạnh hợp tác công tư và giải ngân vốn đầu tư công: Các bộ, ngành, địa phương phải cụ thể hóa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhất là trong đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng chiến lược. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt việc thực hiện. Đa dạng hóa nguồn tài chính, đẩy mạnh hợp tác công tư; huy động, kích hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân có trọng tâm, trọng điểm, phát triển các mô hình: Lãnh đạo công - quản trị tư; đầu tư công - quản lý tư; đầu tư tư - sử dụng công.

6. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Tận dụng sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

7. Khơi dậy và phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương, quan tâm đến an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Quan tâm đầu tư cho giáo dục và y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở, các chính sách xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người nghèo, trẻ em khó khăn, người yếu thế trong xã hội.

8. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc; chủ động ứng phó, không để bị động, bất ngờ; giữ vững an ninh biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân. Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát triển mạnh kinh tế đối ngoại; tăng cường hợp tác chặt chẽ với các tỉnh biên giới.

9. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

10. Có chương trình, giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường; không đánh đổi môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần. Tăng cường đổi mới và ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh chống biến đổi khí hậu, nhất là chống sạt, lún, xâm nhập mặn, triều cường; bảo vệ nguồn nước, nguồn lợi thủy sản. Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch, tập trung phát triển điện gió, điện mặt trời.

Các lãnh đạo chủ trì hội nghị. Ảnh: BT

Đối với các bộ, ngành, nhà tài trợ, đối tác chiến lược và cơ quan thông tấn, báo chí, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, cần phải phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, thực chất, hiệu quả các Nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch hành động về phát triển ĐBSCL theo thẩm quyền, nếu gặp khó khăn, vướng mắc thì cùng thảo luận, bàn bạc, tập trung giải quyết. Đồng thời, đề nghị các đối tác phát triển, các nhà khoa học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, chung sức, đồng lòng, đồng hành cùng Chính phủ trong các hoạt động phát triển ĐBSCL thịnh vượng và thích ứng với biến đổi khí hậu; tích cực hỗ trợ vào cả từ quá trình xây dựng quy hoạch đến tài trợ các chương trình, dự án ODA, vay vốn ưu đãi nước ngoài nhằm triển khai thực hiện quy hoạch vùng, địa phương; nghiên cứu, tìm thấy và khai thác, tận dụng cơ hội để phát triển, tham gia sâu vào những ngành kinh tế được xác định là trọng tâm, ưu tiên của vùng trong một chiến lược mang tính dài hạn.

Bên cạnh đó, các cơ quan thông tấn, báo chí,  tích cực truyền thông, quảng bá về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, về tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Góp phần tích cực vào quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư cho vùng ĐBSCL.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn