MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu chủ trì Hội nghị giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Thủ tướng chủ trì hội nghị giữa Thường trực Chính phủ và MTTQ Việt Nam

Phạm Đông LDO | 29/09/2021 17:32

Chiều 29.9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa hai bên trong thời gian qua và một số trọng tâm phối hợp công tác thời gian tới.

Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu chủ trì Hội nghị.

Báo cáo về một số nội dung trọng tâm trong công tác phối hợp trong thời gian tới, ông Lê Tiến Châu cho biết, hai bên sẽ tiếp tục vận động các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Quang cảnh Hội nghị.

Thực hiện nhanh, kịp thời, hiệu quả Chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch COVID-19”. Triển khai các nhiệm vụ cấp bách theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và trực tiếp là nhiệm vụ của Tiểu ban Vận động và huy động xã hội.

Cùng với đó tổ chức phát động, vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ công tác phòng, chống dịch và ủng hộ Quỹ Vaccine; kịp thời hỗ trợ các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng nề và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19; phát huy vai trò chủ thể nhân dân thông qua các mô hình “Tổ COVID-19 cộng đồng"...

Ông Lê Tiến Châu phát biểu tại hội nghị.

Ông Lê Tiến Châu cũng nhấn mạnh công tác phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Chính phủ; các phong trào thi đua, cuộc vận động của MTTQ Việt Nam; thực hiện công tác xây dựng pháp luật, chương trình giám sát, phản biện xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2026.

Đồng thời phối hợp sửa đổi Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ; ký kết Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giai đoạn 2021 - 2026.

Đề xuất hỗ trợ thêm các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch

Phát biểu tại hội nghị, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trong thời gian vừa qua, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhất là công nhân lao động khó khăn do mất việc, giảm việc làm, nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng cho đội ngũ y tế tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg; Hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang lao động, sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg...

Mới đây, ngày 27.9, Tổng Liên đoàn tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ một triệu túi an sinh công đoàn cho đoàn viên, người lao động gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với trị giá mỗi túi 200 nghìn đồng; tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên công đoàn bị mồ côi cha, mẹ do COVID-19.

Ông Nguyễn Đình Khang cũng cho biết, theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, tính đến ngày 25.9, công đoàn các cấp đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền gần 5.000 tỉ đồng.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Hội nghị.

Đến nay, tuy dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát nhưng diễn biến vẫn còn vô cùng phức tạp, những tác động kéo dài của dịch bệnh đặt ra nhiều vấn đề chúng ta cần phải tập trung, kịp thời giải quyết. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đề nghị sửa đổi Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Trong đó, đề xuất Chính phủ quan tâm bổ sung thêm đối tượng người lao động chưa được ký kết hợp đồng lao động, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội được hỗ trợ như đối tượng không có quan hệ lao động (lao động tự do) theo khoản 12, mục II, Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Bổ sung thêm đối tượng là viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công như Nhà khách, trung tâm văn hóa, thể thao, cơ sở giáo dục nghề nghiệp...  được hưởng chính sách theo quy định tại khoản 4, 5, 6 mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng, đề xuất mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Trong đó có đối tượng là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp và giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp. Đề nghị các chính sách trên áp dụng cho cả “khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao” vì những nơi này tập trung rất đông công nhân lao động và cũng là địa bàn còn nhiều khó khăn về phát triển giáo dục mầm non.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn