MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 120. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng chủ trì hội nghị phát triển ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu

M.Quân-C.Hùng LDO | 18/06/2019 15:51

Chiều 18.6, tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn thể đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với Biến đổi khí hậu.

Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng đại diện nhiều bộ ngành, tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy phát triển khu vực ĐBSCL trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với nguy cơ rất lớn ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng,…

Theo ông Trương Hòa Bình, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP với nhiều nhiệm vụ, giải pháp tổng thể trước mắt và lâu dài.

“Nghị quyết đánh dấu bước đột phá trong tư duy, định hình chiến lược phát triển bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể tích hợp, phát triển kinh tế toàn vùng với tầm nhìn dài hạn; tăng cường kết nối phát triển với các địa phương trong vùng, đảm bảo tính liên vùng, liên ngành có trọng tâm, trọng điểm”,  ông Trương Hòa Bình nói.

Thủ tướng chào mừng các đại biểu quốc tế đến dự hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Theo ông Trương Hòa Bình, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nghị quyết, chưa đáp ứng được yêu cầu, kế hoạch đề ra cũng như sự kỳ vọng của chính quyền và người dân trong vùng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Để đẩy mạnh triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả, đưa Nghị quyết 120/NQ-CP vào thực tiễn cuộc sống, Chính phủ tổ chức hội nghị này nhằm đánh giá cụ thể kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại hạn chế, nguyên nhân khách quan, phân tích rõ khó khăn, thách thức; trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách cụ thể để tập trung thực hiện trong thời gian tới".

Trong buổi sáng cùng ngày đã diễn ra 4 phiên diễn đàn chuyên đề gồm: Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL; Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho vùng ĐBSCL.

ĐBSCL là vùng có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đóng góp hơn 95% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và trên 74,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng của quốc gia. Vùng ĐBSCL có khoảng 19 triệu dân, chiếm 20% dân số cả nước và diện tích trên 40 ngàn km2 khoảng 12% diện tích cả nước.

Tăng trưởng GDP của vùng ĐBSCL năm 2018 đạt mức ấn tượng là 7,8%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây (tăng trưởng GDP cả nước là 7,08%). Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đầu tiên đạt 15,7 tỉ USD.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài, cấp bách để phát triển bền vững ĐBSCL.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn