MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: Dương Giang

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước

Vương Trần LDO | 24/03/2022 11:13
Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng với doanh nghiệp nhà nước có chủ đề “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội”.

Sáng nay (24.3), tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước có chủ đề “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang gặp phải vướng mắc gì? Động lực, giải pháp nào để khơi thông nguồn lực sẵn có và tương đối dồi dào của khối doanh nghiệp này? Đây là hai nội dung lớn sẽ được bàn luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dương Giang

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước (DNNN) nắm giữ cổ phần chi phối (trong số 350 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước).

DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; có doanh thu và đóng góp đáng kể vào thu ngân sách nhà nước: Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường. Theo tính toán sơ bộ, tổng tài sản của khối DNNN theo giá trị sổ sách năm 2021 khoảng 4 triệu tỉ đồng; quy mô tài sản bình quân của 1 DNNN khoảng 4.100 tỉ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Về đóng góp cho ngân sách nhà nước (NSNN), DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp NSNN. Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của DNNN là 576 tỉ đồng, gấp 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần doanh nghiệp dân doanh.

DNNN đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như: dầu khí, điện lực, tài chính, ngân hàng, viễn thông, hạ tầng giao thông và sản xuất, cung ứng một số nguyên vật liệu đầu vào cơ bản cho nền nền kinh tế….. Hiện nay, có tới 96% khách hàng sử dụng mạng điện thoại di động là của Viettel, VNPT và Mobifone. Các ngân hàng thương mại nhà nước như BIDV, Vietcombank, Viettinbank… chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Dương Giang

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, DNNN có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Hoạt động của các DNNN, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty có ảnh hưởng lớn đến phát triển một số ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng của đất nước; góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng nêu trên, kết quả hoạt động và đóng góp của khối DNNN trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của mình, nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối được thể hiện ở 6 điểm đó là:

Một là, các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế.

Hai là, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Ba là, năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DNNN quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.

Bốn là, việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN trong thời gian qua không được thúc đẩy.

Năm là, việc tái cơ cấu toàn diện DNNN vẫn mang tính hình thức.

Sáu là, thiếu tầm nhìn chiến lược để phát triển doanh nghiệp nhất là tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn