MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Đại biểu Quốc hội dự khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng: Giáo dục, văn hóa xã hội là sức mạnh “nội sinh” của quốc gia

Nhóm PV LDO | 24/03/2021 12:30

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc phát triển giáo dục, văn hóa xã hội là phát huy sức mạnh “nội sinh” của quốc gia. Khi kinh tế càng phát triển thì nước ta càng chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng

Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc phát triển giáo dục, văn hóa xã hội là phát huy sức mạnh “nội sinh” của quốc gia. Khi kinh tế càng phát triển thì nước ta càng chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Theo Thủ tướng, chính sự năng động sáng tạo của người dân, doanh nghiệp là nguồn nội lực bền vững cho phát triển, đó phải chăng là vòng xoay thăng tiến của thịnh vượng. Điều này đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII về dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân thụ hưởng.

Chính phủ coi phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; đề ra các giải pháp kịp thời, kiên quyết, sớm hơn, cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới; với phương châm "4 tại chỗ" và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, được người dân đồng tình ủng hộ. Nước ta đã sản xuất thành công máy thở, bộ kit xét nghiệm COVID-19 và đang đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và nhập khẩu.

Thủ tướng cho biết, giáo dục có sự tiến bộ ở tất cả các cấp học, đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với thị trường lao động. Các giá trị văn hóa dân tộc được củng cố và phát huy, đang ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước. Giải quyết hài hòa các vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, các chính sách người cao tuổi, trẻ em...

Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở thành những chuẩn mực toàn cầu và tại mỗi quốc gia. Nước ta không thể xuất khẩu đồ gỗ nếu sử dụng gỗ do chặt phá rừng, không thể bán thủy sản nếu là đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo... Thực hiện chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, nước ta kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên”.

Từ đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất sáng kiến trồng mới 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”.

Thủ tướng cũng cho biết, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên của Chính phủ nhằm giúp cho “cỗ máy hành chính” hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và là tiền đề cho nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai và thực hiện hiệu quả Nghị quyết phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Các nền tảng Chính phủ điện tử được tập trung phát triển, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia gắn với Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp trên 2.800 dịch vụ trực tuyến của các bộ, ngành và địa phương.

Triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng 2030 với mục tiêu Việt Nam vào Top 50 về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số vươn ra toàn cầu được triển khai bài bản, kịp thời.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo triển khai đồng bộ các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đã triển khai gần 33 nghìn cuộc thanh tra hành chính và trên 1,1 triệu cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ Chính phủ. Ảnh: VGP

5 cân đối hài hòa lớn trong nhiệm kỳ

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những khái quát thành tựu nhiệm kỳ qua trong 5 cân đối hài hòa lớn.

Trong đó, thứ nhất, đó là sự hài hòa giữa mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội với việc củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng, giám sát của Quốc hội, hợp tác của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tổ chức xã hội.

Thứ hai, hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh với đảm bảo sự tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường. Chúng ta thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bình quân 6,5% trong 30 năm Đổi mới và là 6,8% trong 2016 - 2019; người dân thuộc các thành phần khác nhau đều được hưởng thành quả phát triển tương xứng với nỗ lực đóng góp; các địa phương đều có cơ hội và không để địa phương nào bị tụt lại, mất cơ hội phát triển. Nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường.

Tăng trưởng sản xuất kinh doanh vì lợi nhuận nhưng không được xả thải gây ô nhiễm môi trường, phá hoại môi trường tự nhiên, đó là chuẩn mực của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và là xu thế văn minh toàn cầu.

Thứ ba, hài hòa, cân đối giữa nội lực với ngoại lực, giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, giữa nội thương với ngoại thương, giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với mở cửa và hội nhập quốc tế. Trong đó kinh tế trong nước là quyết định, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ tư, hài hòa cân đối giữa những ưu tiên ngắn hạn với những mục tiêu dài hạn. Chúng ta tập trung thúc đẩy chính sách phát triển hàng năm gắn với thực hiện mục tiêu 5 năm, tầm nhìn 10 năm và lâu hơn nữa đến năm 2045. Cùng với các mục tiêu ngắn hạn như tăng trưởng, việc làm và lạm phát thì các vấn đề dài hạn như hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, phát triển về văn hóa xã hội... đều được quan tâm đúng mực. Chưa bao giờ Chính phủ chạy theo mục tiêu ngắn hạn, kém bền vững mà bỏ qua mục tiêu dài hạn nhất quán xuyên suốt hay ngược lại.

Thứ năm, hài hòa trong cân đối các nguồn lực tài chính quốc gia, cán cân ngân sách, nợ công, cán cân tài khoản vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, bảo đảm nguồn nhân lực và nhiều cân đối vĩ mô khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn