MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng: Giờ đây là lúc chống trì trệ như chống dịch

THÔNG CHÍ LDO | 09/05/2020 10:13

“Chúng ta đã chứng kiến tinh thần chống dịch như chống giặc, giờ đây là lúc chống trì trệ như chống dịch. Tình thần này cần phải được thúc đẩy. Chúng tôi nhiều lần nêu virus trì trệ, vậy virus trì trệ ở đâu? Đừng nhìn người khác, cơ quan tổ chức khác, bộ ngành khác, địa phương khác, virus trì trệ nằm ngay trong chính chúng ta, tổ chức chúng ta, cộng đồng doanh nghiệp chúng ta”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy với các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” được tổ chức trực tuyến sáng 9.5.

Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam phải phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không chỉ có 2,7% như tổ chức IMF dự báo, đồng thời phải khống chế lạm phát dưới 4%.

“Muốn như vậy, chúng ta phải tập trung vào 5 mũi giáp công: Một là thu thút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước. Hai  là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa”, Thủ tướng nêu rõ.

Theo Thủ tướng, để đạt được mục tiêu đó, hội nghị hôm nay được tổ chức khác rất nhiều hội nghị khác. Thủ tướng mong muốn hội nghị nêu cao tinh thần yêu nước, yêu nước thì phải hành động mạnh mẽ trong điều kiện mới như lò xo bị nén lại rồi bật lên.

“Việt Nam chúng ta, doanh nghiệp chúng ta cần đóng góp vào tăng trưởng hình chữ D chứ không phải chữ U, càng không phải chữ W. Chúng ta thừa nhận rằng, Việt Nam còn nhiều nút thắt, Đảng, Chính phủ luôn lo nghĩ điều này. Tuy nhiên hội nghị này không phải dịp bàn lùi, than nghèo kể khổ, than vãn khó khăn. Hội nghị phải nêu được trở ngại lớn, Chính phủ không thể trực tiếp giúp doanh nghiệp nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức giúp doanh nghiệp tăng năng suất, bởi chỉ có tăng năng suất mới là bền vững

Để đạt được mục tiêu đó, các bộ, ngành, doanh nghiệp dành thời gian hiến kế với Chính phủ, doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào xây dựng luật pháp như khế ước xã hội, Chính phủ hỗ trợ cho khế ước đó được thực thi trên tinh thần công bằng, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả ”, Thủ tướng cam kết với cộng đồng doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Với cộng doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu, các doanh nghiệp, kể cả ngân hàng, cùng nhau sẻ chia, cùng nhau hợp tác để phát triển đất nước, phát triển bản thân doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động. Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần chia sẻ này phải được lan toả mạnh mẽ, có chiều sâu mạnh mẽ, lan toả trong hệ thống.  

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải quản lý để cán bộ công chức không vô cảm, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.

“Chúng ta đã chứng kiến tinh thần chống dịch như chống giặc, giờ đây là lúc chống trì trệ như chống dịch cần phải được thúc đẩy. Chúng tôi nhiều lần nêu virus trì trệ, vậy virus trì trệ ở đâu, đừng nhìn người khác, cơ quan tổ chức khác, bộ ngành khác, địa phương khác, virus trì trệ nằm ngay trong chính chúng ta, tổ chức chúng ta, cộng đồng doanh nghiệp chúng ta”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng có 6 đề nghị dành cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam:

Một là yêu Tổ quốc, nếu làm không nghĩ tới Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Yêu Tổ quốc là thượng tôn pháp luật, tinh thần chia sẻ. Thứ hai là đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự mình làm yếu mình. Thứ 3 không nản chí, nếu nản chí là tự mình bỏ cuộc. Môi trường kinh doanh có khó khăn thách thức, tuy nhiên đừng mong không có khó khăn, nếu không có khó khăn thì không tới lượt mình. Thứ 4, năng động quyết đoán, vì thụ động, lưỡng lự thì doanh nghiệp tự mình đánh mất cơ hội. Thứ 5, sáng tạo, vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt hậu. Thứ 6, cần có niềm tin, vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình.

Động viên doanh nghiệp, Thủ tướng nhắc tới văn kiện đại hội Đảng lần thứ 13 đang được trình hướng tới mục tiêu vào năm 2045 Việt Nam là nước thịnh vượng, có thể sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới.

“Vậy tầm nhìn của doanh nghiệp vào năm 2045 là gì, các bạn ở đâu vào năm 2045? Chúng ta phải có tập đoàn lớn, vươn tầm cạnh tranh quốc tế như Viettel, FPT, VinGroup… Tuy nhiên Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào lọt Top doanh nghiệp 500 thế giới. Vào năm 2045, chúng ta có những đế chế kinh doanh tầm cỡ thế giới không? Thiết nghĩ 25 năm là để chúng ta tạo ra những đế chế kinh doanh thế giới”, Thủ tướng nêu mong muốn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn