MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thủ tướng gợi mở một số lĩnh vực các doanh nghiệp nên đầu tư vào Hậu Giang

Văn Sỹ LDO | 16/07/2022 16:25

Hậu Giang - Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội và thực sự trở thành điểm đến thành công của các nhà đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho rằng, một trong những đột phá chiến lược trong giai đoạn tới của tỉnh là cải cách mạnh mẽ hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Theo đó, phải chuyển hẳn từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, thay vì cho phép, cấp phép sang được phục vụ, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư. Ảnh: Văn Sỹ

Ông Thành nhấn mạnh, tỉnh cam kết sẽ thực hiện "2 nhanh, 3 tốt"; "2 nhanh" là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh về thủ tục đầu tư; "3 tốt" là cơ hội tốt, chính sách tốt và hạ tầng tốt. Từ đó, hướng mọi cơ chế, chính sách đem đến trải nghiệm tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân. Tỉnh cũng cam kết luôn đồng hành với doanh nghiệp với khẩu hiệu "Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui".

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự có mặt của các đại diện các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư; tin tưởng những dự án được trao quyết định đầu tư, những cuộc gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư hôm nay sẽ khởi nguồn cho dòng chảy đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của Hậu Giang trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Văn Sỹ

Theo Thủ tướng, Hậu Giang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ngành nông nghiệp, logistics, năng lượng và du lịch... Đặc biệt, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Chính phủ có Chương trình, hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và đã có Quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt đã dành nguồn lực tập trung phát triển hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long...

Do đó, Thủ tướng mong muốn Hậu Giang phải tranh thủ các chủ trương, chính sách này; biến tiềm lực thành nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, làm cho đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc; biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả; phát huy tinh thần nội lực đi lên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp nên đầu tư vào Hậu Giang: Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển đô thị; phát triển công nghiệp, nhất là năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp thực phẩm, đồng thời phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cao; phát triển du lịch, hạ tầng thương mại...

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trao Quyết định chủ trương/Giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư. Ảnh: Văn Sỹ

Thủ tướng đề nghị tỉnh Hậu Giang cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương; quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp với kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Cùng với đó là chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tập trung rà soát, đánh giá, rút ra bài học về những việc đã làm được, chưa làm được, vấn đề phải khắc phục; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương phát triển nhanh và bền vững tỉnh Hậu Giang trong tổng thể chung của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đại biểu dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang 2022. Ảnh: Văn Sỹ

Tỉnh phải huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai, về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, tỉnh Hậu Giang và các bộ, cơ quan Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý tập trung giải quyết, xử lý ngay các kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp hoặc kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ mong muốn các nhà đầu tư đến với Việt Nam nói chung và Hậu Giang nói riêng với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; tâm, tài, trí, tín; chân thành, trách nhiệm”; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác, khẳng định uy tín, nói đi đôi với làm; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực, nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; đồng hành với chính quyền trên tinh thần cùng phát triển.

Đối với việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ thỏa đáng cho người dân phải chú trọng việc tạo điều kiện cho người dân địa phương được đào tạo nghề, có công ăn việc làm, phúc lợi xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Lãnh đạo Tỉnh Hậu Giang trao giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án đầu tư vào tỉnh Hậu Giang, với tổng số vốn 19 nghìn tỉ đồng; chứng kiến lễ ký kết ghi nhớ, hợp tác đầu tư và chủ trường đầu tư cho 10 nhà đầu tư, với tổng số vốn hơn 204 nghìn tỉ đồng; chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức với tỉnh Hậu Giang; chứng kiến các doanh nghiệp Nhà nước trao 28 tỉ đồng tài trợ xây dựng các trường học và tặng quà cho người có công tỉnh Hậu Giang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn