MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN Ted Osius. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng mong Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam

Khánh Minh LDO | 21/03/2024 16:26

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ với Chính phủ Mỹ ưu tiên thúc đẩy sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Thực hiện "3 cùng, 3 đảm bảo"

Sáng 21.3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp đoàn doanh nghiệp cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) do Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN Ted Osius, nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam làm trưởng đoàn.

TTXVN đưa tin, tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam và Mỹ là hình mẫu trong hàn gắn, khắc phục hậu quả sau chiến tranh.

Các doanh nghiệp Mỹ đã đóng góp vào quá trình này, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư nói riêng và quan hệ giữa hai nước nói chung, qua đó cũng góp phần giúp Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam và Mỹ là hình mẫu trong hàn gắn, khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… là trụ cột quan trọng để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển toàn diện, bao trùm và hiệu quả hơn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam thực hiện 3 cùng là “cùng lắng nghe và thấu hiểu”, “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển”; đồng thời có 3 đảm bảo là “đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển ổn định, phát triển", “đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh", “đảm bảo ổn định chính sách, an ninh năng lượng và hệ sinh thái chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế số… tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp".

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục mở rộng quy mô, phạm vi, đối tượng đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đề nghị sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam

Nêu mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Thủ tướng mong muốn Mỹ nói chung và các doanh nghiệp Mỹ nói riêng hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu trên.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN Ted Osius và đại diện các doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao môi trường đầu tư và bày tỏ biết ơn về sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ đối với doanh nghiệp; cam kết mạnh mẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, điện tử, hàng không, ôtô điện, logistics, năng lượng, y tế, tài chính, thương mại điện tử, thực phẩm, du lịch...

Các doanh nghiệp Mỹ đề xuất Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý; cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong các vấn đề liên quan cấp phép đầu tư, giấy phép lao động và visa; có cơ chế ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế trong một số lĩnh vực ưu tiên.

Thủ tướng cho rằng có 3 điều hơn qua cuộc làm việc, đó là “chia sẻ, thông cảm, tin cậy nhau hơn”, “cam kết hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn” và “có trách nhiệm với nhau nhiều hơn".

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp của USABC có tiếng nói mạnh mẽ với Chính phủ Mỹ ưu tiên thúc đẩy sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước hạn chế về xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ.

Đại diện các doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục mở rộng quy mô, phạm vi, đối tượng đầu tư tại Việt Nam; chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, nhất là công nghệ cao phục vụ các ngành mới nổi như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và làm mới các động lực truyền thống như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư; góp ý, hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế và năng lực quản trị thông minh, hiện đại, tiên tiến; hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển thời kỳ mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng thời gian tới, khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Mỹ sẽ được cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác cụ thể, với những sản phẩm cụ thể, hiệu quả cụ thể, có lợi cho cả hai bên, góp phần thúc đẩy, vun đắp mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Mỹ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn