MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nêu 6 câu hỏi lớn trong việc triển khai hiệp định EVFTA

Vương Trần LDO | 06/08/2020 17:27

Chủ trì Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)” sáng 6.8, Thủ tướng đã đặt ra 6 câu hỏi lớn trong việc triển khai hiệp định này.

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng nhắc lại, cách đây hơn một năm, vào ngày 30.6.2019, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) được ký kết, thể hiện tư duy chiến lược, mở ra không gian hợp tác rộng lớn giữa Việt Nam và EU, vì hòa bình, phồn thịnh của mỗi quốc gia.

Vui mừng về EVFTA đi vào hiệu lực nhưng đó mới chỉ là bước đầu, Thủ tướng đề nghị cấp bộ, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung thảo luận về một số nội dung.

Thứ nhất, tại sao hoạt động truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và FTA nói riêng chưa hiệu quả? Nhận thức, hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và ngay cả trong các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn hạn chế. Phải làm gì để khắc phục được tình trạng này?

Thủ tướng chào mừng các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thứ hai, tại sao việc tận dụng cơ hội từ các FTA chưa được như mong đợi? Có phải là do cơ chế chính sách của chúng ta còn chưa thông thoáng, còn tạo ra những rào cản vô hình đối với doanh nghiệp hay một phần do chính các doanh nghiệp của chúng ta đang còn thụ động, chưa thay đổi tư duy kinh doanh? Chính phủ, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp, người dân cần làm gì để tận dụng cơ hội tốt hơn? 

Thứ ba là làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao các doanh nghiệp, đây là yếu tố sống còn trong kinh doanh. Doanh nghiệp cần làm gì? Chính phủ, chính quyền địa phương trong cả nước cần làm gì để hỗ trợ hiệu quả?

Thứ tư, phải làm gì để phát triển kết cấu hạ tầng, vì đây là một yêu cầu hàng đầu để sản xuất kinh doanh có hiệu quả? Chính phủ tiếp tục nỗ lực ban hành nhiều quy định thuận lợi và tăng cường đầu tư ngân sách Trung ương, thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân FDI, nhu cầu lớn về đầu tư hạ tầng của Việt Nam, về giao thông, năng lượng, viễn thông, logistics… cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp của EU.

Thứ năm, yêu cầu về phát triển bền vững là nội dung quan trọng trong EVFTA có tiêu chuẩn cao, không chỉ về nâng cao hiệu quả kinh tế, mà đi đôi với các yêu cầu khắt khe về làm tốt hơn nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội, lao động, việc làm và bảo vệ môi trường, “không thể bán hải sản tươi ngon, giá rẻ tại thị trường EU nếu là hải sản đánh bắt trái phép. Chúng ta phải làm gì để tất cả người dân, doanh nghiệp trong và cơ quan quản lý quan tâm cùng hành động?”

Thứ sáu, khi EVFTA có hiệu lực, nhiều sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU, không thể đóng cửa, dựng lên hàng rào bảo hộ, mà chúng ta phải thực hiện đúng cam kết, quản lý tốt thị trường, tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh. 

Như vậy, Chính phủ và doanh nghiệp cần phải làm gì? Bên cạnh đó, do có khác biệt về địa lý, trình độ phát triển, nên hàng của EU vào Việt Nam chủ yếu mang tính bổ sung cho nhau. Đây là điều ta cần chú ý phát huy.

Chúng ta đã sẵn sàng thông xe "cao tốc EVFTA"

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối điều phối việc triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và giờ là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). 

Trên cơ sở 6 nội dung lớn mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu, từ góc độ, chức năng quản lý của mình, Bộ Công Thương đã kiến nghị 6 giải pháp cụ thể.

Trong đó, để giúp các doanh nghiệp tận dụng được tối đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần tích cực xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ban hành chính sách với phương châm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, minh bạch và bảo đảm công bằng, không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nguyễn Hiếu

Một vấn đề khác được đặt ra, đó là việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là giải pháp mà Bộ trưởng đánh giá “không phải là vấn đề mới” mà là “thực trạng và bài toán hóc búa chúng ta đã gặp phải từ rất lâu rồi”.

Đối với những lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng cho rằng cần phải tiếp tục khuyến khích, đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để giải tỏa những nút nghẽn về nguồn nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, cần hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm đầu ra.

Người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng: “Cần nhận thức đúng đắn rằng, cũng như các FTA khác, Hiệp định EVFTA được xây dựng trên nguyên tắc có đi có lại và cân bằng về lợi ích của cả hai bên”. 

Theo đó, khi EU xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa của Việt Nam có cơ hội trong việc xuất khẩu sang thị trường EU thì ngược lại chúng ta cũng phải có nghĩa vụ mở cửa thị trường của mình cho hàng hóa của Châu Âu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định: "Nếu EVFTA được ví như con đường cao tốc cho việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế thì ngày hôm nay chúng ta đã tự tin sẵn sàng thông xe cho con đường đó để giúp cho các phương tiện lưu thông trên đó, chính là doanh nghiệp và nền kinh tế, được vận hành một cách thuận lợi, thông suốt và hiệu quả hơn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn