MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong báo cáo các đề xuất, kiến nghị với đoàn công tác Chính phủ tại buổi làm việc. Ảnh: Trung tâm báo chí TPHCM

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tháo gỡ cho các dự án bị ách tắc ở TPHCM

MINH QUÂN LDO | 20/07/2020 16:26

Chiều ngày 20.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác làm việc với TPHCM để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công và thực hiện các dự án đầu tư công.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 6 tháng đầu năm, TPHCM chỉ tăng trưởng 1,02% do ngành dịch vụ chiếm 60% GDP của TPHCM bị ảnh hưởng nặng nề. Mức tăng trưởng thấp này ảnh hưởng đến cả nước bởi từ trước đến nay, tốc độ tăng trưởng của TPHCM cao hơn 1,3-1,5 lần cả nước.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành sẽ cùng thành phố tháo gỡ cho các dự án bị ách tắc, chậm, trì trệ, chưa giải quyết được với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không để thất thoát tài sản Nhà nước, không để tham ô, tham nhũng xảy ra và mở rộng cơ chế tạo thuận lợi cho TPHCM triển khai.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đầu tư công là để làm sao TPHCM vượt lên, đạt mức tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành sẽ cùng TPHCM xử lý các vấn đề đặt ra đối với đầu tư Nhà nước và đầu tư tư nhân, kể cả đầu tư ODA.

Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết tính đến 15.7, TPHCM đã giải ngân 18.836 tỉ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao hơn 41.691 tỉ đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, dù việc giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đang cao hơn tỉ lệ chung cả nước nhưng nhiều dự án sử dụng vốn ODA, hợp đồng đối tác công - tư (BT) còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần Chính phủ tháo gỡ.

Theo đó, đối với dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bố trí bổ sung vốn ODA cấp phát từ Trung ương là 3.676 tỉ đồng cho giai đoạn 2016-2020 để đảm bảo tiến độ, kế hoạch của dự án.

Đối với dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương), TPHCM kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành sớm phê duyệt điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí để phục vụ các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng độc lập. Dự kiến, mặt bằng phục vụ cho dự án tuyến Metro số 2 trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 3.000 tỉ đồng, sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với các tuyến vành đai của TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong cho hay đến nay, tuyến Vành đai 2 mới chỉ khép kín hơn 50/64 km, Vành đai 3 mới chỉ đầu tư được 16/89 km (18%) và Vành đai 4 vẫn chưa được xây dựng.

Do đó, TPHCM kiến nghị Thủ tướng cùng các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT và phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn ODA để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Đối với tuyến Vành đai 4, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các Bộ ngành xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Trong giai đoạn 2020-2025, chủ trương đầu tư cho tuyến vành đai trên cần được thông qua để có cơ sở xác định ranh giải phóng mặt bằng, xác định nguồn vốn đầu tư, kêu gọi đầu tư, xây dựng trong giai đoạn sau năm 2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn