MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt chuyên đề tại Hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển

Phạm Đông - Hải Nguyễn LDO | 28/03/2021 10:32

Sáng 28.3, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu, quán triệt chuyên đề: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025.

Việt Nam là điểm sáng trên toàn cầu trong thực hiện thành công mục tiêu kép

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã đặt câu hỏi “Chúng ta đang ở đâu trong thế giới này”. Bởi hiện nay tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp hơn dự báo khi kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn; vấn đề tăng cường bảo hộ, cạnh tranh và xung đột thương mại gia tăng; rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghệ lần thứ tư; tầm nhìn quan trọng và xu hướng phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, kinh tế số.

Thủ tướng cho biết, dù tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng với các phương châm hành động đã góp phần quan trọng tô đậm thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, làm cho nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức độ khá cao khi bình quân 10 năm 2011 – 2020 đạt 5,59%/năm. Năm 2020 mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn đạt 2,91%, là điểm sáng trên toàn cầu trong thực hiện thành công mục tiêu kép. Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được tăng lên rõ rệt. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể.

Thủ tướng cho biết, phát triển nguồn nhân lực được đẩy mạnh, nhất là nhân lực chất lượng cao, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ đạt kết quả tích cực. Tập trung các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tâng đồng bộ với các công trình hiện đại, nhất là hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Đáng chú ý, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên. Chú trọng việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có bước đột phá; cải cách thủ tục hành chính đạt được những kết quả tích cực. Thủ tướng lấy ví dụ việc xây dựng Chính phủ, chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Theo Thủ tướng, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng lãng phí được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Đã chỉ đạo xử lý nghiêm và công khai kết quả xử lý nhiều vụ việc tham nhũng lớn dư luận quan tâm, góp phần củng có niềm tin trong nhân dân.

Toàn cảnh Hội nghị.

Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân

Thủ tướng nêu ra các bài học kinh nghiệm trong việc bảo đảm mối tương quan hợp lý, hài hoà giữa tăng trưởng và ổn định. Kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, khắc phục nguy cơ tụt hậu; giải quyết hài hoà các mối quan hệ trọng tâm về kinh tế. Cần thực sự coi trọng phát triển văn hoá, xã hội và con người tương xứng với phát triển kinh tế. Coi trọng giáo dục đào tạo, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chủ yếu. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng nhắc tới việc bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở pháp luật quốc tế và các nguyên tắc cơ bản hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi. Thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt. Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân.

Thủ tướng cũng nêu ra bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện tốt công tác dự báo, đánh giá và nhận định đúng, đầy đủ, kịp thời tình hình thế giới, khu vực để có những quyết sách, hành động nhanh chóng, quyết liệt và phù hợp. Ngoài ra, cần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng môi trường hoà bình, ổn định về nền kinh tế tự chủ, có khả năng thích ứng và chống chịu cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn