MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Hồng Nguyễn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Vấn đề biên giới là biểu hiện sinh động của quan hệ Việt - Lào"

Hà Liên LDO | 19/09/2017 19:31
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc hoàn thành phân giới cắm mốc Việt Nam - Lào, nhận định đây là sự kiện trọng đại, là biểu hiện sinh động của quan hệ và là tài sản vô giá truyền lại cho thế hệ con cháu của hai nước. 

Chiều 19.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị tổng kết: “Công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào”.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Vấn đề biên giới, lãnh thổ luôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Sau ngày giải phóng, chúng ta hợp tác chặt chẽ với Lào để cắm mốc biên giới. Sau này, chúng ta tiếp tục có chủ trương tăng dày, tôn tạo mốc giới Việt – Lào. Đây là chủ trương hết sức sáng suốt của Đảng và Nhà nước. Trong thời gian dài chúng ta đã tổ chức thực hiện kiên trì và đạt được nhiều thành quả quan trọng”.

Hội nghị tổng kết: “Công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào”. Ảnh: Hồng Nguyễn
Từ năm 2008, Việt Nam và Lào phối hợp triển khai công tác tăng dày và tôn tạo đường biên giới. Đến nay, hai nước có 1.002 cột mốc và cọc dấu tại 905 vị trí trên toàn tuyến biên giới dài khoảng 2.337 km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào.  

Ngoài hoạt động trên thực địa, công tác phân giới cắm mốc được ghi nhận chi tiết trong Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Lào. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Đây là sự kiện trọng đại có ý nghĩa to lớn, thể hiện sự thống nhất cao, sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai nước, là biểu hiện sinh động của mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt, toàn diện Việt  - Lào”. 

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc hoàn thiện đường biên giới Việt – Lào với đường biên giới rõ ràng, chính xác, chính quy trên thực địa, được ghi nhận chi tiết trong các văn kiện pháp lí và bản đồ kèm theo, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa hai nước. “Có thể nói, đây thực sự là tài sản vô giá truyền lại cho thế hệ con cháu của hai nước tiếp tục kế thừa trong tương lai”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn