MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận.

Thủ tướng rất sốt ruột trước lo ngại lợi dụng tiền ảo để rửa tiền

Nhóm PV LDO | 24/10/2022 18:44
Theo Thủ tướng, dù Việt Nam không công nhận tiền ảo, nhưng loại tiền này vẫn được sử dụng. Tức dù không có chế tài xử lý thì thực tế vẫn diễn ra, với nhiều thay đổi, diễn biến nhanh. Vì vậy phải nghiên cứu chế tài xử lý phù hợp.

Chiều 24.10, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn TP.Hà Nội) tán thành với việc sửa đổi luật về phòng chống rửa tiền theo báo cáo đã nêu của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, nhất là việc thể chế chủ trương đường lối của Đảng về công tác phòng chống tham nhũng.

Tuy vậy, đại biểu nhấn mạnh đến việc phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số và việc thanh toán không dùng tiền mặt cùng sự phát triển của thương mại điện tử đặc biệt sau đại dịch COVID-19.

Cùng với đó, nhiều thực tế mới phát sinh như tiền ảo, tiền số, đại biểu cho rằng cần phải có sự xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về mặt quản lý Nhà nước trong đó có phòng chống rửa tiền.

Đi vào chi tiết, đại biểu đề nghị cần xem xét một số quy định đảm bảo công tác phòng chống rửa tiền thật sự nghiêm túc, hiệu quả và không tạo ra những gánh nặng không cần thiết cho hệ thống ngân hàng, tăng chi phí tuân thủ cũng như giảm tiến độ các giao dịch kinh doanh đặc biệt trên môi trường mạng.

Đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) băn khoăn khi dự thảo không đề cập đến tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Hiện chúng ta chưa công nhận nhưng thực tế vẫn có giao dịch và nếu không quan tâm sẽ tạo ra kẽ hở cho tội phạm rửa tiền.

“Lý do trình dự án luật là tiền ảo chưa được chấp nhận nên luật này chưa đề cập, tuy nhiên theo tôi, cần nghiên cứu các quy định. Người ta chuyển tiền bằng cách dùng tiền thật mua tiền ảo rồi ra nước ngoài bán tiền ảo lấy tiền thật mà Nhà nước không quản lý là không được” – đại biểu Vận nêu quan điểm và đề nghị nên đề cập trong luật này để quản lý.

Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cũng lưu ý, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ thì thực tế còn rất nhiều loại giao dịch khác.

“Tôi đề nghị bổ sung thêm một loại nữa là tiền ảo. Tiền ảo hiện nay pháp luật Việt Nam chưa chấp nhận, đồng ý, nhưng thực tế có giao dịch rất nhiều. Và cũng rất nhiều người tham gia hoạt động đó là sàn tiền ảo, như vậy đây là  nơi có thể trở thành điểm rửa tiền nhiều nhất” – đại biểu Sinh nói.

Nêu quan điểm liên quan đến dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền sửa đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay khi thảo luận ở Chính phủ cũng có hai loại ý kiến. Tuy nhiên, tờ trình thống nhất không đưa nội dung tiền ảo vào quy định của dự thảo luật vì hiện chưa có căn cứ pháp lý để công nhận tiền ảo.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng nhìn nhận thực tế được các đại biểu nêu và đặt ra câu hỏi: "Thực tế sử dụng thì có chế tài xử lý thế nào?".

Theo Thủ tướng, dù Việt Nam không công nhận tiền ảo, nhưng loại tiền này vẫn được sử dụng. Tức dù không có chế tài xử lý thì thực tế vẫn diễn ra, với nhiều thay đổi, diễn biến nhanh.

"Thực tế đang vướng chỗ này, cũng rất sốt ruột. Vì vậy phải nghiên cứu chế tài xử lý phù hợp. Khi chưa được pháp luật công nhận thì có cách xử lý thế nào cho phù hợp" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm và cho rằng, việc này nên giao Chính phủ nghiên cứu quy định để đáp ứng với thực tế diễn biến rất nhanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn