MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu Bình Dương mở chiến dịch thúc đẩy giải ngân đầu tư công

MINH QUÂN LDO | 03/12/2022 20:23

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương mở chiến dịch thúc đẩy giải ngân đầu tư công tới ngày 31.1.2023, kiên quyết không để tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết vốn được giao.

Giải ngân đầu tư công mới đạt 48,2%

Chiều 3.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết, năm 2022, kinh tế tỉnh có mức tăng trưởng khá cao.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 8,29%. Thu ngân sách ước đạt gần 62.000 tỉ đồng, vượt 3% dự toán. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 61,5 tỉ USD, xuất siêu 10 tỉ USD.

Tuy nhiên, năm nay tỉnh Bình Dương được giao hơn 8.929 tỉ đồng vốn đầu tư công nhưng đến nay giải ngân mới đạt 48,2% kế hoạch (đứng thứ 15/63 địa phương xếp theo thứ tự từ thấp đến cao).

Tỉnh Bình Dương kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan một số nội dung về cơ chế và vốn liên quan các dự án: Đường Vành đai 4; cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép; điều chỉnh vị trí quy hoạch ga An Bình và ga Dĩ An.

Bình Dương cũng đề xuất cho phép tỉnh huy động nguồn lực triển khai một số dự án khác trên địa bàn tỉnh; áp dụng mức trần dư nợ vay của ngân sách địa phương như TPHCM và Hà Nội để tiến hành các thủ tục phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; tạm ứng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm…

Mở chiến dịch giải ngân đầu tư công

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bình Dương phân tích kỹ các nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công chậm, đặc biệt là do khâu chuẩn bị đầu tư không tốt.

"Hôm nay kiểm tra dự án Bệnh viện đa khoa Bình Dương và hôm trước kiểm tra các dự án Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai ở Hà Nam thì thấy một nguyên nhân chung là chuẩn bị đầu tư không tốt" - Thủ tướng nói. Mặt khác, nếu đầu tư dàn trải sẽ dẫn tới kéo dài dự án, đội vốn, gây lãng phí, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp.

Thủ tướng khảo sát một số dự án liên vùng ở Bình Dương ngày 3.12. Ảnh: Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng theo Thủ tướng, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn chính ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án. Trong đó, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng chưa chặt chẽ, hiệu quả, nhất là các dự án giáp ranh các tỉnh, thành phố.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương mở chiến dịch thúc đẩy giải ngân đầu tư công tới ngày 31.1.2023. "Kiên quyết không để tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết vốn được giao, trong khi nhiều dự án có khả năng giải ngân tốt nhưng không bố trí đủ vốn" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính phủ đã ban hành 13 Nghị quyết, trong đó có 3 Nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, cùng 5 Công điện, 1 Chỉ thị và nhiều văn bản của lãnh đạo Chính phủ. 

Do đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Dương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo nêu trên; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từng dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, huy động cả hệ thống chính trị cho công tác này.

Ngoài vấn đề giải ngân đầu tư công, Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Bình Dương bám sát, nắm chắc tình hình để tập trung, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh trong lúc này, tỉnh phải ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. “Tỉnh rà soát, trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp có liên quan tới bất động sản, phát hành trái phiếu, khó khăn tiếp cận vốn… để cùng các doanh nghiệp đánh giá tình hình, phân loại và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tái cơ cấu lại doanh nghiệp” - Thủ tướng chỉ đạo.

Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bình Dương, Thủ tướng cơ bản đồng ý.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Bình Dương để giải quyết, trên cơ sở đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình chung và đặt trong mối quan hệ với cả vùng Đông Nam Bộ và cả nước, trên tinh thần tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để khơi thông cho sự phát triển, không vướng mắc nào là không thể xử lý.

Gần đây, Chính phủ đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ.

Sau đó, Thủ tướng đã làm việc với TPHCM và lần này tiếp tục làm việc với Bình Dương để triển khai cụ thể hơn Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm liên vùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn