MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thúc đẩy Cách mạng công nghiệp 4.0: ASEAN cần giải quyết các vấn đề về phân phối lợi ích

ĐỨC THÀNH LDO | 11/09/2018 09:48

Sáng 11.9, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 chính thức khai mạc và kéo dài tới ngày 13.9. Là nước chủ nhà, Việt Nam sẽ tham gia và chủ trì nhiều phiên thảo luận về các vấn đề liên quan tới chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Thủ tướng kiểm tra công tác chuẩn bị cho hội nghị WEF ASEAN hôm 9.9. Ảnh: VOV.
Trình độ công nghệ ASEAN chưa đồng đều

Cùng tham gia chủ trì các phiên thảo luận, Bộ Công Thương sẽ trình bày các vấn đề về “Sự sẵn sàng của các nước ASEAN đối với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”; “Chuyển đổi số nhằm phát triển Kinh tế số”; “Sáng kiến định hình sản xuất tương lai”. Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30, ngày 29.4.2017 tại Manila (Philippines), các nhà lãnh đạo ASEAN đã chỉ đạo các nước ASEAN cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng tối đa các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mang lại, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách toàn diện và sự phát triển cân bằng trong khu vực ASEAN.

Các nước ASEAN cần giải quyết các vấn đề về phân phối lợi ích công bằng, đảm bảo con người vừa đảm bảo vai trò dẫn đầu, vừa là trung tâm của CMCN 4.0, sự cần thiết phải bảo mật dữ liệu và an ninh mạng. Ngoài ra, ASEAN cũng có các chương trình, quy hoạch chuyên ngành cho hợp tác nền kỹ thuật số trong ASEAN như Quy hoạch tổng thể về công nghệ thông tin ASEAN đến năm 2020, Chương trình làm việc ASEAN về thương mại điện tử 2017 - 2025, Kế hoạch hành động về khoa học, công nghệ và đổi mới ASEAN (APASTI) 2016 - 2025, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025.

Theo đánh giá mới nhất, các nước ASEAN đã đạt nhiều tiến bộ trong các lĩnh vực đổi mới và trình độ công nghệ, tuy nhiên ở mức độ không đồng đều. Khoảng cách về vốn nhân lực giữa và trong các nước ASEAN vẫn còn tồn tại đáng kể. Đối với Việt Nam, chúng ta bắt đầu chú trọng nâng cao năng lực chuẩn bị cho CMCN 4.0 với những chỉ đạo rốt ráo và tích cực từ Chính phủ, bộ ngành tới các địa phương nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và hệ sinh thái đảm bảo phát triển CMCN 4.0 trong tương lai.

Chuyển đổi số - nhiệm vụ trọng tâm

Công nghệ số và kết nối trực tuyến đang và sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế ASEAN nói chung cũng như Việt Nam nói riêng trong những năm tới. Nhiều chuyên gia nhận định nền kinh tế số của tương lai sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của CMCN 4.0 là Chuyển đổi số. Trên thực tế, xu hướng số hoá hay công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực từ thương mại, tài chính - ngân hàng cho đến y tế, giáo dục, du lịch, vận chuyển. Kinh tế số đang dần trở thành chính bản thân nền kinh tế Việt Nam, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ; từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng,... mà trong đó công nghệ số được ứng dụng. Chính phủ Việt Nam đang giữ vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế số thông qua một loạt các cơ chế chính sách, và đặc biệt chủ trương này gần đây đã được củng cố thêm bởi các chỉ thị, chính sách về tăng cường tiếp cận cuộc CMCN 4.0.

Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp ở khối thương mại và dịch vụ được đánh giá có trình độ tiếp cận công nghệ số và tính sẵn sàng cao hơn.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc về chỉ số Chính phủ điện tử 2018 cho thấy, Việt Nam đã tăng 11 bậc để xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ về xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI). Việt Nam là một trong 10 quốc gia đã nhảy vọt từ EGDI mức trung bình đến mức cao, đứng thứ 6 trong nhóm các nước khu vực ASEAN. Trong khi đó, khảo sát mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, có tới 82% số doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu. Có tới 16/17 ngành khảo sát ưu tiên đều đang có mức sẵn sàng thấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn