MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diễn đàn “Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội đối với Việt Nam” đã được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Hà Nội hồi tháng 11.2020. Nguồn: Bộ Ngoại giao

Thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả giữa Việt Nam và Trung Đông - Châu Phi

Thanh Hà LDO | 29/12/2020 08:05

Để thích ứng với “tình trạng bình thường mới” và phục hồi kinh tế, trong năm 2020, Việt Nam và nhiều nước Trung Đông - Châu Phi đã nỗ lực đẩy mạnh cải cách kinh tế, tăng cường liên kết quốc tế, mở rộng các thị trường tiềm năng. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi chia sẻ vấn đề này trong bài viết “Thúc đẩy quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả với khu vực Trung Đông - Châu Phi”.

Hình thức linh hoạt với những điểm sáng nổi bật

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nhiều kế hoạch tăng cường hợp tác song phương trong năm 2020, theo Thứ trưởng Đặng Minh Khôi, Việt Nam với các nước Trung Đông - Châu Phi tiếp tục củng cố quan hệ chính trị - đối ngoại, đưa quan hệ chính trị - đối ngoại đi vào chiều sâu thông qua nhiều hình thức linh hoạt.

“Chúng ta đã chủ động thúc đẩy ngoại giao trực tuyến để duy trì đà hợp tác song phương với các nước khu vực trong bối cảnh các hoạt động trao đổi đoàn giữa hai bên bị gián đoạn do COVID-19” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin. Trong đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã có hàng chục cuộc điện đàm trực tuyến với người đồng cấp các nước tại khu vực để trao đổi về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể tăng cường quan hệ chính trị giữa hai bên, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế đi vào chiều sâu và bảo đảm tối đa lợi ích của công dân, doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực. Nhiều bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai tham vấn, họp ủy ban hỗn hợp, giao lưu trực tuyến với các đối tác khu vực để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cụ thể và tìm kiếm các cơ hội mới...

Thứ trưởng Đặng Minh Khôi nhận định, năm qua, “ngoại giao y tế đã trở thành điểm sáng trong quan hệ Việt Nam với khu vực Trung Đông - Châu Phi”. Trong bối cảnh nhiều nước tại khu vực phải vật lộn đối phó với COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã tích cực hỗ trợ vật tư y tế, khẩu trang cho bạn bè truyền thống Châu Phi như Algeria, Mozambique, Angola... Một số tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam cũng ủng hộ nhân dân các nước Trung Đông - Châu Phi bằng nhiều hình thức. Trong các trao đổi ở các cấp, Việt Nam luôn chủ động chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh và đẩy mạnh hợp tác y tế.

“Các nước Trung Đông - Châu Phi đánh giá rất cao, coi đây là minh chứng sống động cho quan hệ hữu nghị truyền thống, thủy chung, son sắt, liên tục được vun đắp bằng những tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ giúp đỡ quý báu dành cho nhau từ những năm tháng chiến tranh lịch sử cho tới ngày nay. Qua đó, đã góp phần đề cao hình ảnh một Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và có trách nhiệm với bạn bè khu vực” - Thứ trưởng chỉ ra.

Nhiều sáng kiến, hoạt động có kết quả thực chất

Trung Đông - Châu Phi là thị trường rất rộng lớn gồm 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 1,6 tỉ dân, GDP gần 5.000 tỉ USD và là nơi tập trung nhiều đối tác, bạn bè có quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp với Việt Nam. Khu vực này rất giàu tài nguyên thiên nhiên. Trung Đông chiếm 3/4 trữ lượng dầu mỏ và khí đốt của thế giới trong khi Châu Phi là một trong những thị trường nguyên liệu lớn nhất thế giới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi nhận định, trong năm qua quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với khu vực “tiếp tục đạt được nhiều kết quả thực chất”. Dù COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề song kim ngạch thương mại của Việt Nam với khu vực năm 2020 dự kiến vẫn đạt 17,5 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực đạt 9 tỉ USD và nhập khẩu ước đạt 8,5 tỉ USD. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam "đã thâm nhập tốt và có chỗ đứng tại thị trường khu vực, được người dân sở tại ưa chuộng và đánh giá cao về mẫu mã, giá cả và chất lượng". Ngược lại Việt Nam cũng nhập khẩu từ khu vực các sản phẩm để phục vụ các ngành công nghiệp chế biến trong nước.

“Đáng chú ý, để khắc phục những khó khăn trong giao thương, các Bộ, ngành của Việt Nam đã chủ động, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường, đối tác mới, tiềm năng và tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và toàn cầu thông qua nhiều sáng kiến, hoạt động. Nổi bật là Diễn đàn “Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội đối với Việt Nam” (11.2020) đã góp phần khai mở một thị trường mới, rất tiềm năng và đẩy mạnh ngành chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào các chuỗi giá trị Halal thế giới" - Thứ trưởng Đặng Minh Khôi thông tin.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy, xây dựng, hoàn thiện và ký kết các khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác song phương với khu vực. Việc tiếp tục triển khai các dự án đầu tư viễn thông của Việt Nam trong năm 2020 sang một số nước Châu Phi đã được Chính phủ và nhân dân các nước đánh giá cao... Ngoài ra, Việt Nam đã tích cực vận động các đối tác tiềm năng của khu vực hỗ trợ về ODA.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn