MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thực hiện Quy hoạch, Bình Định sẽ không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế

Hoài Luân LDO | 10/02/2024 16:23

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn khi chia sẻ với Lao Động về việc thực hiện mục tiêu của Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thời gian tới, Bình Định sẽ triển khai thực hiện mục tiêu Quy hoạch tỉnh ra sao? 7 năm để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, đây có phải là khoảng thời gian thách thức với tỉnh?

- Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14.12.2023, là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới.

Để đạt được các mục tiêu Quy hoạch tỉnh đề ra, Bình Định đang gấp rút xây dựng Kế hoạch thực hiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định, trên cơ sở đó sẽ xác định cụ thể nhiệm vụ của từng đơn vị để triển khai.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn. Ảnh: Hoài Luân

Tỉnh tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư; điều chỉnh, bổ sung chính sách thu hút đầu tư, nhất là ưu tiên các dự án công nghiệp công nghệ cao...

7 năm để hiện thực hóa các mục tiêu Quy hoạch đề ra, đây là thách thức vô cùng lớn đối với tỉnh. Thời gian còn lại không nhiều trong khi khối lượng công việc là rất lớn, do đó Đảng bộ, chính quyền và toàn dân phải hết sức tập trung, chủ động triển khai, như vậy mới có thể đạt được các chỉ tiêu đề ra.

Trong Quy hoạch tỉnh, ngành, tiêu chí sẽ tạo nên một Bình Định khác biệt với các địa phương khác?

- Quy hoạch tỉnh xác định sẽ phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0. Trong đó, chú trọng đầu tư công nghiệp sản xuất thép, điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo… để thúc đẩy tỉnh phát triển.

Với mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân trên 8,5% trong giai đoạn 2021-2030, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 12,2 - 13,2%/năm, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp "mở cửa" đón nhà đầu tư, sớm triển khai thực hiện các dự án lớn, dự án trọng điểm như: Cảng hàng không Phù Cát, cảng biển, khu liên hợp gang thép, nhà máy điện gió ngoài khơi… Đây là những dự án "xương sống" thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh.

Toàn cảnh TP Quy Nhơn. Ảnh: Dũng Nhân

Bình Định sẽ chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, lấy giá trị văn hóa, con người "đất võ" làm trung tâm, nhằm phát huy sức mạnh nội sinh quan trọng, phấn đấu phát triển tỉnh trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng, tạo nên một Bình Định khác biệt với các tỉnh bạn.

Người dân Bình Định sẽ được hưởng lợi như thế nào từ các mục tiêu Quy hoạch tỉnh?

- Khi triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, Bình Định xác định việc quy hoạch phải hướng tới phục vụ người dân, phải làm sao cho người dân nào cũng được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng và phát triển của tỉnh.

Đến năm 2030, Bình Định sẽ trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, với GRDP bình quân đầu người từ 204 - 213 triệu đồng. Trong đó, người dân được hưởng lợi trực tiếp từ việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Trong kỳ quy hoạch này, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển toàn diện các lĩnh vực an sinh xã hội; chú trọng đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo ở các cấp, bậc học; thu hút lao động xã hội, phấn đấu tỷ lệ lao động có việc làm của tỉnh đạt 97,9%; phát triển hệ thống y tế và công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Đến năm 2030, Bình Định sẽ có 21 đô thị, 68 cụm công nghiệp, 15 khu công nghiệp… Những con số trên cho thấy, một diện tích tự nhiên rất lớn của tỉnh sẽ được thay thế bằng các cơ sở hạ tầng. Ông nhận định thế nào về sự đánh đổi này?

- Để thực hiện mục tiêu Quy hoạch, thời gian tới, Bình Định sẽ triển khai hàng loạt các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các khu, cụm công nghiệp, các đô thị…, để làm được điều đó phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bình Định cũng xác định, muốn phát triển kinh tế phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải sử dụng quỹ đất, tuy nhiên chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất phải hợp lý, khoa học, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế thuần túy. Trong quá trình triển khai, tỉnh sẽ tập trung rà soát, giám sát chặt chẽ việc này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn