MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: PV

Thực hiện tốt dân chủ ở doanh nghiệp, người lao động yên tâm gắn bó

Vương Trần LDO | 22/07/2022 19:46

Qua tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp cho thấy, nơi nào thực hiện tốt dân chủ tại doanh nghiệp thì quan hệ lao động tại doanh nghiệp phát triển bền vững, ổn định, người lao động yên tâm gắn bó, cống hiến cho doanh nghiệp.

Quan hệ lao động phát triển nếu làm tốt dân chủ

Chiều 22.7, tại nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Nội vụ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động, hiệp hội, chuyên gia nội dung quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng - cho biết: Tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và hồ sơ dự án Luật, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Qua thảo luận tại Quốc hội, về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh đối với việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. 

Một số ý kiến cho rằng, Luật chỉ nên quy định về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhà nước, không điều chỉnh đối với các loại doanh nghiệp khác cũng như hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động vì thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nói chung đã được quy định trong Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ...

Ý kiến khác lại cho rằng, không nên quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp trong dự thảo Luật vì khó thực hiện, ảnh hưởng đến quá trình xúc tiến đầu tư của doanh nghiệp, có thể làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, tăng chi phí, tạo thêm gánh nặng, sức ép cho doanh nghiệp...

Liên quan về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, ông Phan Trung Tuấn - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho rằng, mục tiêu của thực hiện dân chủ ở cơ sở nói chung và thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nói riêng là bảo đảm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy sức mạnh và trí tuệ của Nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước. 

Ông Tuấn nêu các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp. Theo đó, qua tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp cho thấy, nơi nào thực hiện tốt dân chủ tại doanh nghiệp thì quan hệ lao động tại doanh nghiệp phát triển bền vững, ổn định, người lao động yên tâm gắn bó, cống hiến cho doanh nghiệp, góp phần vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...

Từ những căn cứ nêu trên, dự thảo luật được thiết kế theo hướng quy định về thực hiện dân chủ tại tất cả các loại hình doanh nghiệp và có tính đến đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước. Dự thảo Luật có một chương - Chương IV về thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp, gồm 12 điều (từ Điều 45 đến Điều 56).

Vận hành doanh nghiệp tốt nhất, đem lợi ích cho cả 2 phía

Nêu ý kiến thảo luận, ông Vũ Hồng Quang - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá cao những phát biểu của Bộ Nội vụ liên quan tới tiếp thu, giải trình về Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Ông Vũ Hồng Quang - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Đi vào những vấn đề cụ thể, ông Quang cho rằng trong Chương 1 nên có đề cập quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở. Từ đó những điều khoản sau theo quy định chung này. Các cơ sở sẽ sử dụng khung chung và quy định cụ thể ở đơn vị của mình.

Về phạm vi điều chỉnh, ông Quang cũng cho rằng cần nghiên cứu việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp và các tổ chức khác có sử dụng lao động. Cùng với đó, ông cũng đề nghị đưa nội dung chương thanh tra nhân dân trở lại dự thảo luật.

Đại diện LĐLĐ Bắc Ninh đồng tình với việc công khai thông tin gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ đó mới có kiểm tra, giám sát việc thực hiện nay. Vị này cũng lưu ý cần có quy định rõ việc thực hiện hội nghị người lao động, đặc biệt với doanh nghiệp có dưới 10 người lao động sao cho đảm bảo dân chủ.

Kết luận hội nghị, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, để vận hành doanh nghiệp tốt nhất, đem lại lợi ích cho 2 phía, sau đó là lợi ích của xã hội, lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích của nhà nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cảm ơn các ý kiến đóng góp xây dựng tại hội nghị. Ông mong thời gian tới các đại biểu tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, để chỉnh lý dự án luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn