MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Brand Finance đánh giá giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới trong năm 2020. Ảnh: AFP

Thương hiệu quốc gia Việt Nam thăng hạng nhanh nhất thế giới

Hải Anh LDO | 01/01/2021 08:24
Theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới trong năm 2020, với mức tăng ấn tượng 29%.

Đi ngược xu hướng toàn cầu

Hãng định giá thương hiệu của Anh nhận định, Việt Nam nổi lên là “thiên đường” cho sản xuất tại Đông Nam Á, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch COVID-19, với giá trị thương hiệu quốc gia tăng 29% so với năm ngoái.

Năm 2019, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỉ USD (tăng 12 tỉ USD, tương đương 5,4% so với con số 235 tỉ USD năm 2018) và xếp hạng thứ 42. Như vậy, với việc giá trị thương hiệu tăng vọt lên 319 tỉ USD trong năm 2020, Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Theo đó, bất chấp xu hướng toàn cầu, Việt Nam có thương hiệu quốc gia “thăng hạng” nhanh nhất trong bảng xếp hạng năm nay, với giá trị thương hiệu tăng vọt lên 319 tỉ USD.

“Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở mức thấp đáng kinh ngạc. Việt Nam đã nổi lên như điểm đến hàng đầu tại Đông Nam Á cho hoạt động sản xuất, và ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Mỹ, đang tìm cách chuyển địa điểm sản xuất khỏi Trung Quốc” - theo báo cáo. Báo cáo cũng nhấn mạnh, “các hiệp định thương mại mới ký kết với Liên minh Châu Âu (EU) cũng góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam”.

Theo Brand Finance, năm 2020 đã đặt ra cho các quốc gia trên thế giới một phép thử - từ tác động của đại dịch COVID-19 tới dự báo GDP của các quốc gia, tỉ lệ lạm phát và gây bất ổn kinh tế trên toàn cầu cũng như giảm triển vọng về dài hạn. Hãng này ước tính giá trị thương hiệu của 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới mất tới 13,1 nghìn tỉ USD trong năm nay khi hầu hết các quốc gia đều cảm nhận rõ những tác động của cuộc khủng hoảng y tế tới mọi khía cạnh của nền kinh tế. Giá trị của top 100 giảm từ 98 nghìn tỉ USD năm 2019 xuống còn 84,9 nghìn tỉ USD trong năm 2020.

Ông David Haigh, CEO của Brand Finance nhận định, xu hướng giảm của gần như tất cả các thương hiệu quốc gia có giá trị nhất trên thế giới là không bất ngờ với những gì diễn ra trong năm 2020 khi đại dịch COVID-19 góp phần vào sự gia tăng gần đây của chủ nghĩa bảo hộ.

Trong năm 2020, Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới với giá trị lần lượt là 23,7 nghìn tỉ USD và 18,8 nghìn tỉ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc đang cho thấy nỗ lực thu hẹp cách biệt với Mỹ.

Brand Finance cho hay, top 10 thương hiệu quốc gia giá trị nhất ghi nhận mức giảm giá trị thương hiệu trung bình 14% do tác động của đại dịch COVID-19. Tiếp sau Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản thăng hạng từ vị trí thứ 4 năm 2019 lên vị trí thứ 3 trong năm nay dù giá trị thương hiệu giảm nhẹ 6% xuống còn 4,3 nghìn tỉ USD. Trong khi đó, Ireland là quốc gia duy nhất trong top 20 có giá trị thương hiệu tăng 11% lên 670 tỉ USD nhờ xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng trong nước.

Ngược lại, Argentina là quốc gia có giá trị thương hiệu giảm mạnh nhất, giảm tới 57% xuống còn 157 tỉ USD trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm COVID-19.

Thúc đẩy giá trị Việt Nam

Trong báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020, đánh giá về National quality mark (Nhãn hiệu chất lượng quốc gia) năm 2020, ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương chỉ ra, mỗi quốc gia đều hướng tới mục tiêu thúc đẩy một số hình thức lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của mỗi nước thông qua hình ảnh thương hiệu của đất nước. Trong đó, một số quốc gia sử dụng quảng cáo du lịch, một số chiến dịch FDI và một số sự kiện toàn cầu như Olympic.. Ông chỉ rõ, qua những nỗ lực của một chương trình nhãn hiệu quốc gia được gọi là “Giá trị Việt Nam”, ngành thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đóng góp lên tới 17 tỉ USD cho xuất khẩu của đất nước. Ngành công nghiệp may mặc đóng góp 22 tỉ USD cho xuất khẩu của Việt Nam.

“Những đóng góp kinh tế này quan trọng cho tăng trưởng chung của Việt Nam và sẽ không thể đạt được nếu không có nỗ lực chung của chính phủ Việt Nam. Một nhãn hiệu chất lượng quốc gia được quản lý tốt là chìa khóa cho thương hiệu quốc gia thành công và làm đúng có thể mang lại lợi ích to lớn” - ông Samir Dixit nhận định.

Cũng trong báo cáo của Brand Finance, trong phần Chỉ số Quyền lực mềm Toàn cầu 2020 (Global Soft Power Index 2020), hãng định giá thương hiệu Anh đánh giá Việt Nam ở vị trí thứ 50, đạt 31,3/100 điểm.

Brand Finance cũng lưu ý, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp đang tìm kiếm sự ổn định tại các thị trường có thể ứng phó thành công với cuộc khủng hoảng y tế. Thêm vào đó, top 5 quốc gia ở hạng mục “Nền kinh tế mạnh mẽ và ổn định” (Strong and stable economy) đều dược dự báo sẽ giảm sản lượng kinh tế trong năm 2020, giảm mạnh từ 5-7%.

“Đây là cơ hội cho những quốc gia như Việt Nam, những quốc gia đã xử lý tốt cuộc khủng hoảng và kết quả là đã bảo vệ được nền kinh tế của mình, ở một mức độ nào đó, để xây dựng sức mạnh mềm của quốc gia trong lĩnh vực này” - báo cáo nêu rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn