MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tiếp thu, chỉnh lý Luật Giao dịch điện tử

PHẠM ĐÔNG LDO | 13/06/2023 16:58

Ngày 13.6, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đây là dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 này.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, trong phiên thảo luận tại Hội trường, đã có 14 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Thường trực Ủy ban đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý và thể hiện như trong dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 2 nội dung chính gồm:

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử (Điều 7, Điều 27): Một số ý kiến đồng tình với quy định tại khoản 4 Điều 7 của dự thảo Luật, tuy nhiên một số ý kiến khác đề nghị chỉnh lý lại khoản 4 theo hướng bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với chữ ký số chuyên dùng công vụ và tách nội dung quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ thành lĩnh vực quản lý nhà nước riêng theo pháp luật về cơ yếu.

Về thực tiễn quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử từ năm 2005 đến nay, trong đó có chữ ký số. Ban Cơ yếu Chính phủ được giao cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị từ năm 2007 đến nay. Do đó, quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật là phù hợp với pháp luật hiện hành và thực tiễn quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

Theo ông Lê Quang Huy, việc tách nội dung quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ thành lĩnh vực quản lý nhà nước riêng theo pháp luật về cơ yếu là chưa phù hợp. Ủy ban đã tổ chức nhiều buổi làm việc, trao đổi kỹ lưỡng với các cơ quan liên quan về quy định trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Đại diện Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ theo Nghị quyết 56-NQ/TW ngày 5.3.2020, Nghị định số 01/2022/NĐ-CP ngày 30.11.2022, Nghị định số 09/2014/NĐ-CP ngày 27.11.2014.

Qua thảo luận, rà soát văn bản, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, chưa có đầy đủ cơ sở để bổ sung quy định này.

Từ những lý do nêu trên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, nên giữ quy định trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, UBND cấp tỉnh tại khoản 2, 3 Điều 7 của dự thảo Luật để bảo đảm giao dịch điện tử được quản lý một cách toàn diện, đầy đủ trong tất cả các lĩnh vực, theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử và pháp luật có liên quan. 

Ông Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản báo cáo để Chính phủ đóng góp ý kiến, nếu thống nhất được sẽ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5.

Về bố cục của dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát lại về chức năng quản lý Nhà nước. Trong quản lý Nhà nước, Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối giúp cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.

Trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với chữ ký số chuyên dùng công vụ; các bộ, ngành liên quan thực hiện việc quản lý như thế nào cũng cần đề cập rõ hơn. Tuyệt đối không nhầm lẫn giữa chức năng quản lý Nhà nước với cung ứng dịch vụ công.

Ngoài ra, còn những nội dung khác trong văn bản tiếp thu, giải trình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án luật tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các thành viên Thường vụ Quốc hội; giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xây dựng báo cáo, tiếp thu giải trình, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, xin ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn