MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh Q.H

Thường vụ Quốc hội tiếp tục “mổ xẻ” các vấn đề lớn Luật Phòng, chống tham nhũng

VƯƠNG TRẦN LDO | 13/07/2018 11:58
Sáng 13.7, tiếp tục phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn những ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, những vấn đề đang thu hút nhiều ý kiến khác nhau như Điều 32 dự thảo Luật về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập. Điều 37 dự thảo Luật về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập. Điều 59 dự thảo Luật về xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Về phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước…

Trình bày báo cáo tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết, liên quan đến vấn đề thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật, theo đó giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người thuộc diện kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình;

Một số ý kiến ĐBQH tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật, theo đó giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng có nghĩa vụ kê khai;

Có ý kiến đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập.

Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh Q.H

Liên quan đến vấn đề đối tượng kê khai tài sản, thu nhập theo điều 37 dự thảo Luật, Chủ nhiệm UB Tư pháp cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai như quy định của dự thảo Luật; một số ý kiến đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tập trung vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao để phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng này.

Về phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, bà Nga cho biết nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với phương án thu thuế thu nhập cá nhân và đề nghị, sau khi có kết luận xác minh thì cần phân biệt: Tài sản, thu nhập có dấu hiệu do phạm tội mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý; tài sản, thu nhập có dấu hiệu do vi phạm pháp luật mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để xử lý; tài sản, thu nhập hợp pháp nhưng chưa nộp thuế thì chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế để xử lý theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành.

Riêng tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan nhà nước cũng chưa chứng minh được do vi phạm pháp luật, do phạm tội mà có thì chuyển sang cơ quan quản lý thuế để thu thuế thu nhập cá nhân; đồng thời, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế và thuế suất (Phương án thu thuế thu nhập cá nhân).

Một số ý kiến tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật là xử phạt hành chính đối với người có nghĩa vụ kê khai không trung thực, không minh bạch trong giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập (phương án xử phạt hành chính)…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn