MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình. Ảnh Quochoi.vn

Thường vụ Quốc hội xem xét một số cơ chế, chính sách đặc thù với TP.Hà Nội

Vương Trần LDO | 01/06/2020 12:33

Sáng nay (1.6), tại Phiên họp thứ 45 (đợt 2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UVTVQH) xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phân tích cơ sở và sự cần thiết xây dựng Nghị quyết, trước hết là xuất phát từ yêu cầu thực tế phát triển của Thành phố Hà Nội.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách (TCNS) do Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải trình bày cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với các lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết.

Về các nội dung của dự thảo Nghị quyết, theo ông Nguyễn Đức Hải, tiếp thu ý kiến UBTVQH tại phiên họp thứ 44, Chính phủ đã soạn thảo các nội dung Nghị quyết, đó là: Nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải đảm bảo khả năng trả nợ;

Cho phép tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính của Thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng;

Được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội. Cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên của một số đơn vị do tiết kiệm được để đầu tư công trình nhỏ mang tính chất xây dựng cơ bản, không phải theo quy trình của Luật Đầu tư công...

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh Quochoi.vn

Về thẩm quyền quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí, Thường trực Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ trình.

Về việc cho phép tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đối với các loại phí (không kể loại phí thuộc nguồn thu ngân sách trung ương hưởng 100%): Đa số ý kiến đồng ý với đề nghị của Chính phủ, nhưng đề nghị không quy định trần tăng thu, mức tăng cụ thể do HĐND Thành phố quyết định trên cơ sở thực tế và có sự đồng thuận của nhân dân.

Bên cạnh đó, có ý kiến đồng ý với việc tăng mức thu phí 1,5 lần so với quy định hiện hành nhưng phải kiểm soát, quản lý chặt chẽ, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến thị trường và xã hội.

Về việc cho phép Thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với đề nghị của Chính phủ vì quy định này tương thích với cơ chế thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc bán tài sản công có nhiều khó khăn, quy trình và thủ tục phức tạp, kéo dài. Vì vậy, để đảm bảo quy định này có tính khả thi, đề nghị UBND Thành phố cần chủ động có Đề án tổng thể và đánh giá đầy đủ nguồn thu, lộ trình và kế hoạch, tổ chức thu từ lĩnh vực này trên địa bàn Thành phố, để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, Ủy ban TCNS cũng đề nghị bổ sung quy định giao “Chính phủ báo cáo Quốc hội sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2022” để có căn cứ tổng kết đánh giá các cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù này.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình cơ bản bảo đảm yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 9.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn