MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiền lương phải chi trả cho bộ máy cồng kềnh rất tốn kém

Nhóm PV LDO | 25/10/2022 12:11

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, hiện nay, Chính phủ cũng đang rất nỗ lực cải cách tiền lương đi đôi với việc sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Bởi vì với một bộ máy cồng kềnh thì phần tiền lương bỏ ra để chi trả rất tốn kém. 

Tại Kỳ họp 4, Quốc hội khoá XV, Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức; tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo khoảng 12,5% và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. 

Nếu được thông qua, việc điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 1.7.2023. Đồng thời, từ ngày 1.1.2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30.12.2021 của Bộ Chính trị.

Bên hành lang Quốc hội, PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương liên quan tới vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Thưa bà, đề xuất tăng lương và dành nguồn lực tài chính để tăng lương cơ sở vào năm 2023 có nghĩa như thế nào trong thời điểm hiện nay?

- Thực ra, vấn đề tăng lên cơ sở không phải là bây giờ mới được đặt ra. Theo đúng lộ trình và kế hoạch thì chúng ta đã có kế hoạch tăng lương cũng như thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, mọi nguồn lực của Trung ương và địa phương đều phải tập trung cho việc giải quyết phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế. 

Chính vì vậy, trong 3 năm qua, chúng ta chưa thể thực hiện tăng lương cũng như thực hiện cải cách tiền lương được. Do vậy, tôi cho rằng, việc đề xuất tăng lương vào giữa năm 2023 là hợp lý với những lý do sau:

Thứ nhất, trong 3 năm qua, chúng ta chưa thể tăng lương cơ sở.

Thứ hai, về cơ bản chúng ta cũng đã khống chế được dịch bệnh COVID-19 và kinh tế bắt đầu phục hồi. 

Thứ ba, tôi nghĩ rằng sau đại dịch COVID-19, cuộc sống của đại đa số nhân dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Và đối với đội ngũ công chức, viên chức cũng bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch COVID-19. Đội ngũ này cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng như áp lực công việc, thu nhập thấp, giá cả tăng… Ngoài ra, nhiều đối tượng là công chức, viên chức khi đại dịch xảy ra bị chịu ảnh hưởng rất nhiều.

Nếu đề xuất được thông qua, mức lương cơ sở sẽ tăng lên 20,8% - đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Thời điểm tăng sẽ từ 1.7.2023. Theo đại biểu mức tăng và thời điểm tăng thế nào?

Tôi cho rằng, việc chúng ta tăng lương cơ sở vào thời điểm này rất ý nghĩa như đã phân tích ở trên. Mức tăng 20,8 là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua.

Trước đây, trong mỗi kỳ tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức chỉ khoảng 6-7%, lần này là tăng 20,8%. Mức tăng này đã được tính toán do trong 3 năm qua chúng ta chưa kịp tăng.

Tuy nhiên, mức tăng 20% lương cơ sở đang là giải pháp tình thế tạm thời, nhằm động viên tinh thần của công chức, viên chức sau những năm lương cơ sở chưa tăng. Bởi, theo thang bảng lương hiện tại thì việc tăng thêm 20% lương cơ sở thì số tiền được tăng thêm một tháng với công chức, viên chức chỉ vài trăm nghìn đồng, vẫn rất thấp so với nhu cầu cuộc sống hiện tại. 

Thời điểm tăng lương từ 1.7.2023 cũng đã được tính toán cụ thể. Bởi hiện tại đã vào thời điểm cuối năm 2022. Chúng ta cần một khoảng thời gian để chuẩn bị nguồn lực để thực hiện các nội dung này.

Thưa bà, mặc dù tăng lương cơ sở nhưng tiền lương của công chức, viên chức vẫn còn rất thấp. Giải pháp để cán bộ, công chức có thể yên tâm sống được bằng lương?

Về lâu dài, tôi cho rằng giải pháp căn cơ nhất là cải cách tiền lương. Tuy nhiên, việc cải cách tiền lương thì cũng phải dần dần, bởi vì còn phụ thuộc nguồn ngân sách quốc gia.

Do vậy, đến khi chúng ta thực hiện hoàn toàn cải cách lương theo bảng thang bậc lương mới và cách tính lương mới thì chế độ tiền lương sẽ được cải cách hơn nhiều và đó cũng là điều rất mong mỏi của cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Để cải cách tiền lương, chúng ta phải có một nguồn lực đủ mạnh. Muốn có một nguồn lực đủ mạnh thì chúng ta phải đi đôi với các giải pháp phát triển kinh tế. Bởi vì chỉ khi kinh tế phát triển thì chúng ta mới có nguồn lực để cải cách tiền lương.

Hiện nay, Chính phủ cũng đang rất nỗ lực cải cách tiền lương đi đôi với việc sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Bởi vì với một bộ máy cồng kềnh thì tôi tin chắc rằng phần tiền lương chúng ta bỏ ra để chi trả cũng rất tốn kém. Hiện tại, chúng ta đang nỗ lực trong những năm qua để sắp xếp lại bộ máy sao cho tinh gọn và hiệu quả hơn.

Vẫn biết rằng thang bảng lương của chúng ta hiện giờ vẫn là rất thấp. Tuy nhiên để cải cách tiền lương không phải là chuyện ngày một, ngày hai. Với sự nỗ lực của Chính phủ, tôi tin chắc rằng trong thời gian tới, việc công chức, viên chức sống được bằng đồng lương của mình cũng sẽ đạt được.

- Xin cảm ơn đại biểu!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn