MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những thế hệ làm báo Lao Động trong suốt 92 năm. Ảnh phòng truyền thống báo Lao Động

Tiên phong trong lĩnh vực báo chí chống tiêu cực thời kỳ đổi mới đất nước

BÁO LAO ĐỘNG LDO | 11/08/2022 06:30

Những năm 1985 - 1989 để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử Báo Lao Động. Đó là thời kỳ vượt khó của báo để rồi mở ra những trang mới đầy hào quang. Đó cũng là thời kỳ Báo Lao Động đứng trước muôn vàn thử thách nhưng vẫn trụ vững, vươn lên, trở thành tờ báo trong lòng nhân dân, một tờ báo dám đấu tranh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…

“Muốn biết lòng dân - đọc Báo Lao Động”

Đầu những năm 1980, trong toà soạn Báo Lao Động đã truyền đi tin tức về những phát hiện đối với khiếm khuyết của mô hình Chủ nghĩa Xã hội và những đòi hỏi khách quan phải có sự cải tổ.

Trong nhiều hội nghị, toà soạn đã đưa ra những khái niệm mới về lượng thông tin, phê phán những tin, bài vô thưởng vô phạt, phê phán hiện tượng công chức hóa nhà báo, chỉ rõ hiện tượng xói mòn về ý chí và nghiệp vụ làm báo.

Công cuộc đổi mới đất nước sắp đến gần, cùng với những đòi hỏi tăng cường chống tiêu cực bằng phương pháp phê bình công khai. Toàn Đảng sôi nổi chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ VI, một Đại hội mở ra giai đoạn mới của lịch sử đất nước.

Đầu năm 1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 79 tiến hành một đợt phê bình, tự phê bình trong toàn Đảng để chuẩn bị Đại hội VI của Đảng.

Ban Biên tập Báo Lao Động từ lâu đã có ý định mở một mục trên báo để bạn đọc công khai phê bình, góp ý kiến xây dựng Đảng, nhưng chưa tìm được thời cơ khởi động.

Ngày 8.5.1986, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng nói chuyện với đại diện công nhân, lao động thủ đô Hà Nội. Ông kêu gọi hãy dựa vào quần chúng đấu tranh mạnh hơn nữa, chống tiêu cực ngay trong các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Ngày 20.5.1986, Ban Bí thư ra Thông tư số 45 yêu cầu báo chí phục vụ tốt cho đợt phê bình, tự phê bình trong Đảng.

Để thực hiện chỉ thị của Đảng, sau khi xin ý kiến Ban Thư ký Tổng Công đoàn, Ban Biên tập Báo Lao Động quyết định mở mục mới: "Hộp thư công nhân xây dựng Đảng” bắt đầu từ số báo 23 ra ngày 5.6.1986.

Mục hộp thư công nhân xây dựng Đảng không ngờ lại là một sáng kiến mở ra tầm hoạt động rộng lớn cho tờ báo của giai cấp công nhân. Nó đáp ứng đúng nguyện vọng sâu kín của đông đảo quần chúng. Nó khơi một nguồn mạch dồi dào cho báo chí. Chỉ trong vòng một tháng, báo nhận hàng trăm thư phát hiện, phê bình cán bộ, đảng viên, với những địa chỉ cụ thể, với những bằng chứng thuyết phục.

Báo đã lựa chọn đăng một số thư để thăm dò phản ứng. Bức thư mang tên “Sách nhiễu dây chuyền” tố cáo một đội trưởng bốc dỡ ở cảng Hải Phòng áp chế các đội viên gây tình trạng sách nhiễu dây chuyền đối với khách hàng, được bạn đọc hoan nghênh. Không lâu sau, toà soạn nhận được một bức thư khẩn thiết kêu cứu: tên đội trưởng đã qua tay bọn đâm thuê chém mướn khủng bố, trả thù người viết tố cáo hắn trong mục HTCNXDĐ.

Toà soạn lập tức cử người đến thăm hỏi và yêu cầu Thành uỷ Hải Phòng, Liên hiệp Công đoàn Hải Phòng, Đảng uỷ cảng và Công đoàn can thiệp xử lý sự việc. Sau đó, Đảng uỷ cảng Hải Phòng đã thông báo cho toà soạn biết: Những nội dung tố cáo đối với tên đội trưởng là đúng, việc tổ chức trả thù sẽ được điều tra làm rõ. Trước mắt, Giám đốc cảng đã cách chức tên đội trưởng, Đảng uỷ đã khai trừ hắn ra khỏi Đảng…

Có thể nói, chưa bao giờ Báo Lao Động có được ảnh hưởng sâu rộng trong bạn đọc và trong nhân dân như thời kỳ này. Số lượng phát hành tăng vọt, từ ba mươi nghìn bản mỗi số tăng lên bảy mươi nghìn bản. Trong nhân dân lúc đó truyền đi câu vè: “Muốn biết ý Đảng - đọc báo Nhân Dân, muốn biết lòng dân - đọc báo Lao Động”.

Nâng cao chất lượng, đổi mới quản lý, tổ chức cán bộ

Năm 1987, Báo Lao Động có một khuyết điểm được các cơ quan trung ương nhắc nhở khi đăng bài “Một mắt xích quan trọng” của đồng chí lão thành cách mạng nổi tiếng. Bài báo nêu lên một đòi hỏi khẩn thiết phải đổi mới và làm trong sạch các cơ quan ở các vị trí đầu não của Đảng và Nhà nước.

Bài báo có câu kết luận dễ gây hiểu lầm: “Khi cái nóc nhà dột thì dù có quét dọn bên dưới cũng vô ích”. Bài báo đòi hỏi làm trong sạch các cơ quan trung ương là chính đáng. Nhưng cách đặt vấn đề như một mắt xích quan trọng và cho rằng phải giải quyết nó như giải quyết cái nóc nhà dột, thậm chí còn cho rằng dù có quét dọn bên dưới cũng vô ích thì thật là quá đáng.

Không những thế, bài báo còn được đưa lên trang 1 với đầu đề chữ to ở vị trí trang trọng nhất, không khác nào báo đang khởi phát một lời kêu gọi nguy hiểm nhằm vào cái nóc nhà. Tổng Biên tập báo đã tự phê bình và nhận trách nhiệm về bài báo trên.

Tháng 2.1988, Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm biết Báo Lao Động đang thiếu vốn để in thêm, đáp ứng yêu cầu bạn đọc, đã gửi thư kêu gọi các đơn vị, các cá nhân, bà con Việt kiều hãy đóng góp, tăng vốn cho báo để phát hành đến đông đảo bạn đọc. Riêng ông xin góp 1.000 đồng.

Báo đăng tin và cảm ơn Anh hùng Ngô Gia Khảm, báo không muốn tổ chức quyên góp.

Nhưng chính nhờ bức thư đó đã tác động đến cơ quan chủ quản của báo là Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Vũ Định, Phó Chủ tịch Thường trực TCĐ đọc báo xong đã quyết định ngay việc tăng vốn cho báo. Ông nói, cả nước có 200 tờ báo, mới có khoảng 30 tờ dám đấu tranh chống tiêu cực, Báo Lao Động đứng ở hàng đầu trong số đó. Cần chăm sóc mạnh hơn nữa.

Ngày 8.4.1988, Ban Thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam ban hành Chỉ thị số 47/CT/CĐ về Nâng cao chất lượng Báo Lao Động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Đây là văn bản quan trọng quyết định các vấn đề cơ bản của báo trong giai đoạn cách mạng mới, thay thế cho các văn bản trước đây.

Bản chỉ thị xác định chức năng, nhiệm vụ, tính chất, đối tượng của tờ báo, những nội dung chính tờ báo phải thể hiện.

Bản chỉ thị nhấn mạnh mục tiêu trước mắt của báo là ra sức phấn đấu nâng cao chất lượng tờ báo và đổi mới công tác quản lý tổ chức cán bộ.

Việc nâng cao chất lượng tờ báo gồm các vấn đề: Giới thiệu kịp thời các nhân tố mới trong công cuộc đổi mới; Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng phê bình công khai. Kết hợp ba mũi tiến công chống tiêu cực: Quần chúng phát hiện, báo chí đưa ra công khai, cơ quan pháp luật kiểm tra, kết luận và xử lý; Nâng chất lượng các chuyên mục, xây dựng tờ báo có phong cách riêng; Tăng cường việc sử dụng tin, bài của bạn đọc.

Bên cạnh đó, coi trọng việc bồi dưỡng, tổ chức cán bộ, xây dựng các cây bút có sở trường, tuyển chọn người làm báo có tài từ nguồn thông tin viên, cộng tác viên. Từng bước chuyên môn hoá, tiêu chuẩn hoá biên tập viên, phóng viên; Đưa cơ quan báo đi vào quy chế; Chuẩn bị tiến tới tăng kỳ báo, tăng trang báo, khi có điều kiện thì ra báo hàng ngày.

Ban Biên tập đã tổ chức nghiên cứu sâu sắc bản chỉ thị của Ban Thư ký TCĐ, tổ chức một số cuộc hội thảo xung quanh vấn đề nâng cao chất lượng Báo Lao Động.

Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam thành công tốt đẹp, trở thành Đại hội đổi mới, ghi một dấu ấn sâu sắc trong lịch sử Công đoàn Việt Nam. Lần đầu tiên tại hội trường Ba Đình, các đại biểu đứng tại chỗ phát biểu ý kiến qua micrô phát sóng, nêu lên một cách cởi mở, thẳng thắn những vấn đề nóng bỏng của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam.

Đại hội quyết định những vấn đề đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng Công đoàn, đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhiều đề nghị trên Báo Lao Động được đưa ra bàn trong, sau đại hội và dần dần biến thành hiện thực.

Tại Đại hội này, Tổng Biên tập Báo Lao Động được bầu vào Ban Chấp hành và Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, được phân công nhiệm vụ mới. Năm 1989, đồng chí Tống Văn Công được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập báo Lao Động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn