MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Phạm Đông

Tiếp tục xin ý kiến việc cơ quan thanh tra được trích một phần tiền thu hồi qua thanh tra

PHẠM ĐÔNG LDO | 24/08/2023 13:54

Tiếp tục phiên họp thứ 25, sáng 24.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Trình bày dự thảo nghị quyết, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, việc trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra thực nộp vào ngân sách nhà nước đã được ban hành và thực hiện từ năm 2006.

Việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích từ khoản thu hồi nộp ngân sách nhà nước đã được các cơ quan thanh tra triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật, hàng năm, đều lập dự toán, thanh toán, quyết toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, có sự giám sát, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan tài chính và Kiểm toán Nhà nước.

Nguồn kinh phí trích cho cơ quan thanh tra đã có tác dụng bù đắp được sự thiếu hụt của nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các cơ quan thanh tra tính theo định mức biên chế.

Bởi các cơ quan thanh tra là một trong 9 cơ quan trong khối nội chính nên hoạt động có tính đặc thù, phức tạp, nhất là sự đấu tranh quyết liệt trong công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo để chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, giữ gìn kỷ cương phép nước...

Do đó, việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện Khoản 3 Điều 112 Luật Thanh tra 2022 bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan thanh tra.

Về mức trích, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ nguyên như phương án Chính phủ trình tại Tờ trình số 351/TTr-CP ngày 21.7.2023.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 100 tỉ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 100-200 tỉ đồng/năm…

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, việc đề xuất tăng biên độ trích là do phần lớn khoản tiền kinh phí trích được chi cho hoạt động của cơ quan thanh tra và khen thưởng động viên tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động thanh tra; việc này chịu ảnh hưởng bởi mức lương cơ sở.

Bên cạnh đó, với việc tăng biên độ như dự thảo của Chính phủ đề xuất, thì kinh phí trích cho cơ quan thanh tra ước tính tăng khoảng 45 tỉ đồng/năm (ngân sách trung ương tăng 27 tỉ đồng/năm, địa phương tăng 18 tỉ đồng/năm), tương ứng tăng 12%.

Trong khi đó, thực tế nguồn kinh phí trích cho cơ quan thanh tra trong những năm qua có tác dụng bù đắp cho sự thiếu hụt của cơ chế tài chính hiện hành chưa tính hết các yếu tố đặc thù của cơ quan thanh tra khi phân bổ dự toán chi thường xuyên theo biên chế…

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Đông

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách thấy rằng, dự thảo Nghị quyết đã tiếp thu, chỉnh lý cơ bản theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 2712/TB-TTKQH.

Về mức trích, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị giữ nguyên mức trích tối đa và biên độ như mức các cơ quan thanh tra đang được hưởng theo quy định tại Thông tư số 327/2016/TT-BTC.

Bởi quy định này đã có căn cứ thực tiễn thực hiện trong thời gian qua. Đồng thời, cần xác định rõ, mức trích này chỉ là mức chi hỗ trợ thêm; các nhiệm vụ chi liên quan đến công tác thanh tra, tiếp công dân, tăng cường cơ sở vật chất…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất các quy định về các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Riêng đối với việc đề xuất tăng mức trích do còn có hai ý kiến khác nhau nên để bảo đảm thận trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sẽ tiếp tục xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao trách nhiệm cho Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Ủy ban Pháp luật tiếp thu và xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực ban hành theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn